20/01/2022 - 09:53

Khả năng đại dịch kết thúc trong năm 2022 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC, Hill)

Nếu tình trạng bất bình đẳng thuốc và vaccine ngừa COVID-19 sớm được giải quyết, thế giới sẽ có “cơ hội kết thúc” đại dịch trong năm nay, theo Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Mỹ tặng vaccine cho các quốc gia Nam Á. Ảnh: UNICEF

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 18-1, ông Ryan cho rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19 gồm các biện pháp phong tỏa, làn sóng nhập viện và tử vong, sẽ còn tiếp diễn nếu các chính phủ phân bổ những nguồn lực như vaccine không đồng đều. Tuy nhiên, quan chức WHO tin rằng giải quyết được những bất bình đẳng này giúp thế giới có cơ hội kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế công cộng trong năm 2022. “Những gì chúng ta cần làm là giảm tỷ lệ nhiễm bệnh bằng cách tiêm chủng nhiều nhất cho cộng đồng dân cư của chúng ta, để không ai phải chết. Ðiều đó sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp, kết thúc đại dịch”, chuyên gia Ryan bày tỏ sự lạc quan.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng “2022 phải là năm chấm dứt đại dịch COVID-19”, bởi sau 2 năm ứng phó, nhân loại đã hiểu rất rõ virus và có đủ công cụ để đẩy lùi nó. Theo Tiến sĩ Vinod Balasubramaniam tại Ðại học Monash chi nhánh Malaysia, nhân loại sẽ không thể kết thúc được COVID-19 bằng cách xóa sổ SARS-CoV-2. “Virus sẽ không bị tiêu diệt, thế giới tới nay mới chỉ xóa sổ được duy nhất bệnh đậu mùa. Nhưng khả năng miễn dịch toàn cầu sẽ tăng lên khi nhiều người được tiêm chủng hoặc từng nhiễm. Ðiều này cuối cùng sẽ khiến COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu, với mức độ lây truyền ổn định theo mùa và ít đột biến hơn”, ông Balasubramaniam nhận định.

Kịch bản lý tưởng trên chỉ có thể đạt được khi tình trạng bất bình đẳng vaccine toàn cầu được giải quyết. WHO đặt mục tiêu tiêm ngừa COVID-19 cho 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021 và 70% vào tháng 7-2022. Nhưng mục tiêu này chưa đạt được khi tỷ lệ tiêm tại những quốc gia giàu hiện cao gấp 7 lần những nước nghèo ở châu Phi. Tổng Giám đốc Ghebreyesus tháng rồi cảnh báo xu hướng nước giàu tích trữ vaccine để tiêm mũi tăng cường diện rộng sẽ khiến đại dịch kéo dài thay vì kết thúc. COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 330 triệu người và cướp đi sinh mạng của 5,5 triệu người trên toàn cầu.

Chìa khóa mở cánh cửa thoát đại dịch

Trong khi nhiều nước giàu triển khai chương trình tiêm tăng cường, các nước nghèo vẫn chưa tiến bộ trong việc tiêm đủ 2 mũi cơ bản cho người dân. Ðơn cử như ở Anh, 63% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm mũi tăng cường và 83% được chủng ngừa đầy đủ. Trong khi đó, Kenya mới có 0,1% dân số nhận mũi thứ ba và 8,5% được tiêm đủ liều. Chỉ 10% trong số 1,2 tỉ dân châu Phi được tiêm phòng đầy đủ trong khi Israel thậm chí đã triển khai chương trình tiêm mũi 4 cho nhân viên y tế và những người dễ tổn thương nhất.

Tuy biến thể Omicron có thể có khả năng né tránh kháng thể tốt hơn, một số nghiên cứu gần đây ở Mỹ chỉ ra rằng nó khó có khả năng vượt thành công lớp phòng thủ thứ hai của vaccine và miễn dịch tự nhiên, gồm tế bào T và tế bào B. Theo các chuyên gia, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng vaccine không có nghĩa ngăn cản người dân ở những nước giàu nhận thêm vaccine. Tiêm tăng cường và tăng giải trình tự gien cũng là hai yếu tố quan trọng trong chiến lược đối phó với COVID-19 của mỗi quốc gia trong năm 2022. Ðến nay, vaccine vẫn được xem là chìa khóa mở cánh cửa thoát đại dịch. Bên cạnh đó, các biện pháp phòng ngừa bổ sung như đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội vẫn cần được tiếp tục duy trì trong năm nay.

Omicron, biến thể được phát hiện hồi cuối năm ngoái, dễ lây truyền nhưng dường như ít gây ra bệnh nghiêm trọng như các biến thể trước đó. Ðiều này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đại dịch có sắp kết thúc hay không. Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci hôm 17-1 cho rằng Omicron có thể đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn đại dịch COVID-19, nhưng điều này chỉ đúng khi chúng ta không gặp một biến thể khác né được phản ứng miễn dịch của biến thể trước đó.

Chia sẻ bài viết