01/10/2024 - 07:12

Kết thúc kỷ nguyên điện than tại Anh 

Anh hôm 30-9 đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chấm dứt sản xuất điện than khi đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar của công ty năng lượng đa quốc gia Uniper (Đức) tại hạt Nottinghamshire. Đây là nhà máy điện than cuối cùng của nước này.

Nhà máy Ratcliffe-on-Soar đã bị đóng cửa hôm 30-9. Ảnh: AP

Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar được xây dựng vào năm 1963 và bắt đầu hoạt động vào năm 1967. Sau khi Ratcliffe-on-Soar bị tháo dỡ vào cuối thập niên này, một “trung tâm công nghệ và năng lượng không carbon” sẽ mọc lên ở đó. Được biết, Ratcliffe-on-Soar cung cấp điện cho hơn 2 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp nhưng trong những năm gần đây, nhà máy chỉ được sử dụng trong những đợt sử dụng điện cao điểm, gồm đợt lạnh năm 2022 và đợt nắng nóng năm 2023.

 “Đối với tôi, Ratcliffe-on-Soar không chỉ là một nhà máy điện mà còn là trụ cột an ninh năng lượng của Anh trong nhiều thập niên. Được xây dựng vào thời điểm than là xương sống của quá trình tiến bộ công nghiệp, Ratcliffe-on-Soar đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ sinh kế cho hàng ngàn người” - CEO Uniper Michael Lewis bày tỏ.

Như vậy, việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar đánh dấu sự kết thúc 142 năm lịch sử sử dụng điện than của xứ sở sương mù. Được biết, Holborn Viaduct, nhà máy điện than đầu tiên trên thế giới, bắt đầu phát điện tại Anh vào năm 1882.

Việc đóng cửa nhà máy Ratcliffe-on-Soar được các nhà vận động xanh ca ngợi là một thành tựu to lớn của chính phủ trong việc làm giảm lượng khí thải carbon của Anh. “Anh là quốc gia đầu tiên xây dựng nhà máy điện chạy bằng than. Và thật đúng khi đây là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi điện than. Đây thật sự chính là sự lãnh đạo toàn cầu, mở đường cho các quốc gia khác noi theo” - Ed Matthew, Giám đốc tổ chức nghiên cứu về khủng hoảng khí hậu E3G, đánh giá.

Trong khi đó, Thứ trưởng Năng lượng Anh Michael Shanks bày tỏ: “Việc đóng cửa Ratcliffe-on-Soar ngày hôm nay đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và những người lao động trong ngành than có thể tự hào về công việc cung cấp năng lượng cho đất nước chúng ta trong hơn 140 năm. Chúng ta nợ các thế hệ một món nợ biết ơn”.

Năm 2015, Anh công bố kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than từ năm 2025 sau khi đưa ra các quy định ngày càng nghiêm ngặt để giảm thời gian hoạt động của các nhà máy điện than. Song, giới chức nước này trong nỗ lực củng cố vị thế lãnh đạo của Luân Đôn trong việc loại bỏ than đã kêu gọi rút ngắn thời hạn trên một năm ngay trước khi Anh tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26) vào cuối năm 2021.

Vào thời điểm đó, gần 30% sản lượng điện của nước Anh đến từ than nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn hơn 1% vào năm ngoái. Theo công ty điện lực National Grid ESO, tính đến năm 2023, khí đốt tự nhiên chiếm 33% sản lượng điện của Anh, trong khi 25% đến từ năng lượng gió và 13% đến từ năng lượng hạt nhân. Việc giảm điện than đã giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính của Anh, vốn giảm hơn một nửa kể từ năm 1990. “Đây là chương cuối cùng của quá trình chuyển đổi nhanh chóng và đáng kinh ngạc từ quốc gia khởi đầu bằng cuộc cách mạng công nghiệp” - Phil MacDonald, Giám đốc điều hành (CEO) tổ chức nghiên cứu năng lượng toàn cầu Ember, cho hay.

Động thái trên khiến Anh trở thành quốc gia đầu tiên trong G7 hoàn toàn không sử dụng điện than và là bước đi mang tính biểu tượng hướng tới tham vọng khử carbon trong ngành điện vào năm 2030 và trở thành quốc gia trung hòa carbon vào năm 2050.

Về phần mình, Ý cũng có kế hoạch xóa bỏ các nhà máy điện vận hành bằng than cuối cùng vào năm tới, Pháp sẽ “nối gót” vào năm 2027, Canada vào năm 2030 và Đức vào năm 2038. Trong khi đó, Úc cũng đã vạch ra kế hoạch loại bỏ dần than trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo đó, một nửa số nhà máy điện than của nước này sẽ dừng hoạt động trước năm 2035 và tất cả số nhà máy điện than ở xứ chuột túi sẽ ngừng hoạt động vào năm 2051.

Một báo cáo của Ember cho thấy điện than đã giảm một nửa ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2007. Theo báo cáo, điện than hiện chiếm 17% tổng lượng điện do các quốc gia OECD sản xuất vào năm ngoái nhưng 27 trong số 38 quốc gia thành viên cam kết không sử dụng điện than vào cuối thập niên này.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết