Giữa lúc cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria sắp kết thúc, nhiều nước châu Âu đang phải đối phó cùng một vấn đề - đó là phải làm gì với những công dân bị mắc kẹt trong phần lãnh địa đang dần thu hẹp của IS, đặc biệt là những trẻ em sinh ra dưới “đế chế” này. Và mỗi nước đang xử trí theo những cách khác nhau.

Trẻ em tại một trại tị nạn ở Syria. Ảnh: News Deeply
So với các quốc gia châu Âu khác, Pháp hứng nhiều “vết sẹo” hơn trên chính lãnh thổ của họ vì chủ nghĩa khủng bố được dàn dựng hoặc lấy cảm hứng từ IS. Từ năm 2013, gần 250 người dân xứ gà trống Gaulois đã bị sát hại nhân danh tư tưởng giết người của nhóm khủng bố này. Và câu hỏi phải làm gì với những công dân gia nhập IS sẽ không bao giờ là dễ trả lời đối với giới chức Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron từng nói rằng những công dân gia nhập IS nên bị xét xử tại Syria hoặc Iraq, nơi họ có thể đối mặt với án tử hình. Tuy nhiên, nạn nhân khủng bố lại muốn các phần tử thánh chiến gốc Pháp từng sát hại người thân của họ phải bị xét xử trong nước, cũng như việc chính phủ có thể tìm hiểu những cuộc tấn công đó được lên kế hoạch ra sao.
Trong khi đó, số phận của những đứa trẻ - cả được đưa đến và sinh ra trên lãnh thổ IS - còn phức tạp hơn. Pháp ước tính có 550 trẻ em của họ sống trong lãnh thổ IS kể từ năm 2014. Trong số này có một số đã chết, 84 em được đưa về nước và khoảng 90 em khác đang chờ được hồi hương trong vài tuần tới. Nhiều em trong số này là trẻ mồ côi. Đối với gia đình các em tại Pháp, việc đưa những đứa trẻ này về nước không chỉ là vấn đề nghĩa vụ mà còn là tia hy vọng đối với họ.
Chẳng hạn như câu chuyện của Soraya - một thiếu nữ Pháp đã rời khỏi đất nước gia nhập lực lượng IS tại Syria từ năm 2014, khi mới 14 tuổi. Trong một lần gọi về cho mẹ - bà Naida, Soraya từng nói rằng cô và người chồng trẻ (cũng là người Pháp) sinh được một bé trai, đặt tên là Ismael. Sau khi họ bị mất liên lạc, bà Naida tin rằng vợ chồng Soraya đã thiệt mạng trong sự kiện IS mất quyền kiểm soát tại thành phố Raqqa của Syria hồi năm 2017.
Nhưng qua Hội Chữ thập đỏ, bà biết được tin cháu trai hiện gần 3 tuổi của mình đang ở một trong những trại người Kurd ở Syria và nằm trong số những trẻ em mà Pháp chuẩn bị đưa về nước. Đối với Naida, việc phải chờ đợi để nhìn thấy đứa cháu mà bà chưa từng gặp mặt là điều không thể chịu đựng nổi. Naida bắt tay chuẩn bị một căn phòng chứa đầy quần áo, đồ chơi và sách cho cháu, nói rằng việc đó giúp bà vượt qua tình cảnh mong ngóng hiện thời. “Tôi sẽ không từ bỏ, vì đứa bé đó. Nó là đứa trẻ nhỏ xíu. Nó không nên ở đó. Thằng bé là tất cả những gì còn lại từ con gái tôi” - bà giãi bày.
Tuy cũng mồ côi cha mẹ, nhưng số phận của cô bé 7 tuổi Jana không được may mắn như Ismael. Bé bị chính cha ruột bắt cóc từ tay mẹ khi mới chỉ 3 tuổi và mang sang Syria. Sau cái chết của cha, Jana lọt vào tay một gia đình Libya ở Syria. Ban đầu, họ liên lạc với người chú của Jana là Mustapha, nhưng hiện không muốn trả bé và cắt luôn liên lạc. Mustapha cho rằng những công dân Pháp như Jana là những người bị lãng quên, đồng thời lo rằng ngay cả cháu gái ông thậm chí còn không biết rằng bản thân bị thất lạc gia đình.
Theo tổ chức Cứu trợ Trẻ em, có hơn 2.500 trẻ em đến từ hơn 30 quốc gia, thuộc các gia đình được cho có mối liên hệ với IS, đang sống trong các trại tập trung ở phía Đông Bắc Syria. Những trẻ em này bị tách biệt khỏi những người còn lại ở trại và điều đó ảnh hưởng tới khả năng nhận được viện trợ và các dịch vụ khác của các em. Ngoài ra, những đứa trẻ này còn phải đối mặt với một quá trình kéo dài trước khi gia đình lớn tại quê hương có thể tìm lại các em, trong khi một số có khả năng được nhận làm con nuôi nếu được xem xét. “Giống như hàng triệu trẻ em Syria khác, những đứa trẻ này cũng trải qua cuộc xung đột, hứng mưa bom và bị đối xử thô bạo. Vì thế chúng cũng cần sự trợ giúp đặc biệt để vượt qua ám ảnh của quá khứ và trở lại với cuộc sống đời thường bên gia đình của mình. Không thể để chúng ở lại trong các trại tị nạn đông đúc thuộc vùng chiến sự bất ổn. Cộng đồng quốc tế cần hành động ngay trước khi quá muộn” - thông cáo của tổ chức Cứu trợ Trẻ em kêu gọi.
NGUYỆT CÁT (Theo CNN)