|
Quang cảnh hội nghị quốc tế chống khủng bố ở Tehran ngày 25-6. Ảnh: Xinhua |
Hội nghị quốc tế chống khủng bố diễn ra trong hai ngày 25 và 26-6 tại Tehran đã thu hút sự giam gia của 7 quốc gia Hồi giáo trong khu vực, trong đó có các nguyên thủ đến từ Afghanistan, Pakistan, Iraq, Tajikistan và Sudan.
Phát biểu khai mạc hội nghị ngày 25-6, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei khẳng định “chống khủng bố là trách nhiệm của mọi quốc gia trên thế giới”. Tuy nhiên, ông nói rằng sự hiện diện tiếp tục của quân đội Mỹ tại Afghanistan (dưới chiêu bài hỗ trợ an ninh cho Kabul) là nguồn gốc gây tai họa và đau khổ cho nhân dân nước này và khu vực. “Nhân dân Afghanistan có truyền thống tôn giáo và nền tảng văn hóa giàu bản sắc đủ khả năng quản lý các vấn đề nội bộ của mình, nên việc Mỹ rút quân sẽ mang lại lợi ích cho người Afghanistan”, ông Khamenei nhấn mạnh thêm đồng thời tuyên bố Tehran sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu trợ giúp tái thiết cho quốc gia láng giềng này.
Trước khi hội nghị khai mạc, các tổng thống Iran, Afghanistan và Pakistan đã có cuộc gặp thượng đỉnh ba bên và ra tuyên bố chung cam kết hợp tác chống khủng bố, cực đoan, nổi loạn và phản đối sự can thiệp của nước ngoài “đi ngược lại tinh thần, truyền thống văn hóa hòa bình và lợi ích của người Hồi giáo trong khu vực”.
Theo giới phân tích, việc Iran tổ chức hội nghị quốc tế chống khủng bố và thành lập “mặt trận chống khủng bố chung” với Afghanistan, Pakistan là động thái thể hiện vai trò an ninh quan trọng của mình tại khu vực trong bối cảnh Mỹ vừa tuyên bố kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Bản thân Afghanistan, theo hãng tin Mỹ AP, đang muốn trông cậy nhiều hơn vào các nước láng giềng để đảm bảo sự ổn định an ninh và chính trị.
Đây còn là dịp các nhà lãnh đạo Iran gặp Tổng thống Iraq Jalal Talabani để thảo luận kế hoạch Baghdad sẽ đóng cửa Trại Ashraf, cứ địa của nhóm nổi dậy chống Iran đóng tại Đông Bắc Iraq từ thời Saddam Hussein. Iraq mới đây thông báo quyết tâm giải tán cứ điểm này nhằm thúc đẩy các mối quan hệ ngày càng phát triển tốt đẹp với Iran. Trong khi đó, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cũng có cuộc gặp với Ngoại trưởng Liban Adnan Mansour, thành viên nội các của tân Thủ tướng Najib Mikati thân phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn.
Theo báo chí phương Tây, nước cờ ngoại giao chủ động của Iran mang tính đối phó tình thế giữa lúc Liên minh châu Âu (EU) vừa tăng cường áp đặt lệnh trừng phạt vì cáo buộc nước này hỗ trợ Syrie đàn áp dòng người biểu tình chống chính phủ, trong khi Hezbollah bắt đầu rút vũ khí gởi tại Syrie về Liban do lo ngại chính quyền Damas sụp đổ.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)