08/11/2019 - 14:23

Iran “lợi thế” hơn Mỹ ở Trung Đông 

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), lợi thế quân sự của Iran dựa trên khả năng tiến hành “chiến tranh ủy nhiệm”, tức ảnh hưởng của Tehran đối với các bên thứ 3 trong khu vực.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong một cuộc tập trận ở Eo biển Hormuz. Ảnh: AFP

Đây là kết luận sau nghiên cứu “Mạng lưới ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông” do IISS thực hiện trong 16 tháng, cung cấp cái nhìn chi tiết về phạm vi hoạt động của Tehran trong khu vực. Báo cáo dài 217 trang cho biết “mạng lưới” này đang giúp Iran chiến thắng trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Trung Đông, thậm chí quan trọng hơn cả lực lượng quân sự truyền thống, chương trình tên lửa đạn đạo hoặc kế hoạch hạt nhân (nếu có) của nước này.

Về mặt tổng thể, cán cân sức mạnh quân sự thông thường vẫn nghiêng về Mỹ và đồng minh khu vực nhưng xét lực lượng “trục kháng cự” thì phần lợi thuộc về Iran. Năm 2003, liên minh do Mỹ dẫn đầu phát động cuộc chiến ở Iraq và việc lật đổ chế độ Saddam Hussein đã thay đổi hoàn toàn Trung Đông. Các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh từng coi Iraq với giới cầm quyền theo dòng Hồi giáo Sunni là “vùng đệm” đối phó Tehran. Nhưng khi “bức tường thành” này biến mất cùng chiến dịch của Mỹ kéo theo sự phục hưng của người Hồi giáo dòng Shiite, nó đồng thời tạo cơ hội để Tehran xây dựng tầm ảnh hưởng sâu rộng dựa trên văn hóa-tôn giáo bên trong quốc gia láng giềng.

Hiệu quả tối đa, chi phí tối thiểu

Sáng 7-11, Iran đã bắt đầu bơm khí uranium vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow, chính thức nối lại hoạt động làm giàu uranium. 

Iran đang thu hẹp dần cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc năm 2015, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trừng phạt trở lại Tehran.

Trong khi các đối thủ bỏ ra hàng tỉ USD mua vũ khí để củng cố sức mạnh quân sự, Tehran chỉ với một phần chi phí đó lại còn bị kiềm kẹp bởi các lệnh trường phạt vẫn thành công giành lợi thế chiến lược. Thông qua việc gầy dựng lực lượng độc lập tìm kiếm đồng minh, “xuất khẩu tư tưởng” ra nước ngoài song song mối quan hệ với các thế lực thứ 3 trong khu vực, Iran từng bước mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trên khắp Trung Đông. Vai trò quan trọng của họ được phản ánh rõ ràng trong các vấn đề nổi cộm như nội chiến Syria, tình hình khủng hoảng ở Lebanon, Iraq và Yemen.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, chiến thuật của Iran tuy khác nhau ở mỗi quốc gia nhưng đều là công cụ giúp nước này tạo thế đối trọng với các đối thủ khu vực cũng như giảm sức ép từ lệnh trừng phạt quốc tế. Chính sách này liên tục mang lại lợi thế cho Iran mà không có nguy cơ đối đầu trực tiếp với đối thủ. Lấy ví dụ điển hình ở Iraq, các chuyên gia quân sự xác định Iran đang “đấu tranh” và giành thắng lợi trong “cuộc chiến nhân dân” chứ không phải chiến tranh giữa các quốc gia. Bàn về sức mạnh quân sự thông thường, IISS cho rằng Cộng hòa Hồi giáo khó cạnh tranh với Saudi Arabia. Vì lẽ này, Iran luôn tránh xung đột giữa quốc gia với nhau mà theo đuổi các hình thức phi đối xứng, chẳng hạn đào tạo và tài trợ cho các đối tác phi nhà nước liên minh với Tehran. Chiến lược này cho phép Iran cân bằng với các ưu thế của đối thủ trên phương diện vũ khí thông thường, đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia.

Báo cáo của IISS kết luận Iran còn có thể nắm bắt nhiều cơ hội hơn để mở rộng vai trò của bên thứ 3 một khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng. Cũng thông qua báo cáo này, phát ngôn viên Đại sứ quán Iran tại Anh tuyên bố chiến lược “khủng bố kinh tế” mà Mỹ áp lên Tehran hoàn toàn vô dụng.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, BBC)

 

Chia sẻ bài viết