06/09/2011 - 08:30

Iran đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào hoạt động

Một góc nhà máy điện Busher. Ảnh: AP

Đài truyền hình tiếng A-rập Al Alam của Iran hôm 4-9 cho biết nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran đã sẵn sàng đưa vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia. Sự kiện này đánh dấu chấm dứt giai đoạn trì hoãn khá lâu và nhiều tranh cãi về khả năng sản xuất điện hạt nhân của Iran, quốc gia phương Tây lo là đang bí mật phát triển vũ khí nguyên tử.

Hamid Khadem Qaemi, người phát ngôn Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI), cho biết nhà máy Bushehr có công suất thiết kế 1.000 MW với vốn đầu tư 1 tỉ USD sẽ chính thức khánh thành vào ngày 12-9 tới, theo đó sẽ hoạt động 40% công suất trong giai đoạn đầu. Bushehr là nhà máy đầu tiên trong mạng lưới các cơ sở hạt nhân mà Iran xây dựng nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đi vào hoạt động hướng tới mục tiêu mà Tehran theo đuổi là chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nhà máy Bushehr ban đầu được công ty Siemens của Đức xây dựng vào năm 1975, nhưng bị đình lại do Mỹ áp lệnh cấm cung cấp công nghệ cao cho Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Vào năm 1998, Nga tiếp nhận hợp đồng từ Iran để hoàn tất việc xây dựng Bushehr, nhưng cũng bị hoãn vài lần vì gặp khó khăn về kỹ thuật và tài chính, cũng như sức ép từ Mỹ. Phương Tây hoài nghi chương trình làm giàu uranium của Iran có thể là phương tiện để nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.

Kế hoạch khánh thành nhà máy Bushehr được Tehran đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) vừa công bố báo cáo khẳng định Tehran đã triển khai nhiều máy li tâm hiện đại hơn tại nhà máy Natanz. Báo cáo của IAEA cho rằng Iran tiếp tục thách thức các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, đồng thời bày tỏ “mối lo ngại gia tăng” về khả năng Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Mỹ hiện nay tin rằng Iran cần khoảng 2 năm nữa để chế tạo bom hạt nhân, nếu Tehran thực hiện chiến lược bắt đầu chuyển lượng uranium làm giàu cấp thấp đang dự trữ sang cấp độ cao. Họ lo ngại thời gian này thậm chí có thể được rút ngắn nếu Iran triển khai thành công nhiều máy li tâm thế hệ mới.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng khởi động nhà máy Bushehr sẽ không đưa Iran tiến gần hơn tới khả năng chế tạo bom nguyên tử, bởi vì Nga sẽ cung cấp uranium làm giàu cho lò phản ứng này và thu hồi nhiên liệu đã qua sử dụng, vốn có thể được tái chế thành plutonium cấp độ sản xuất vũ khí. Mát-xcơ-va đang thúc đẩy nối lại đàm phán giữa một số cường quốc với Iran về chương trình làm giàu uranium của nước này. Kế hoạch mới của Mát-xcơ-va là kêu gọi LHQ nới lỏng cấm vận chống Iran, đổi lại Tehran sẽ giải tỏa những lo ngại của IAEA về khả năng quân sự hóa chương trình hạt nhân. Ali Asghar Soltanieh, đại diện thường trực của Iran tại IAEA, mới đây cho rằng Iran đã hợp tác với IAEA khi minh bạch việc sản xuất 4.543 kg uranium làm giàu cấp thấp và 70,8 kg uranium làm giàu 20%. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ tỏ ra thờ ơ với kế hoạch của Nga, cho rằng nó không nêu cụ thể việc Iran ngưng sản xuất uranium làm giàu 20%.

Có thể nói, vấn đề hạt nhân của Iran vẫn trong vòng luẩn quẩn. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuần rồi tuyên bố tham vọng chế tạo tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran và “chương trình hạt nhân quân sự” của nước này có thể kích động một số nước tấn công phòng ngừa nhằm vào các địa điểm hạt nhân và quân sự của Iran. Đáp lại, Thiếu tướng Yadollah Javani, Phó chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), cho rằng Mỹ và phương Tây vẫn cố tình thổi phồng mối đe dọa hạt nhân để chống phá Iran, đồng thời nhấn mạnh Iran không dễ dàng khuất phục trước những lời đe dọa của Pháp.

NGUYỄN KIỆT
(Theo Reuters, THX, AP)

Chia sẻ bài viết