15/04/2022 - 10:26

Indonesia muốn nâng tầm ngành công nghiệp khai khoáng 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNBC)

Indonesia giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng lĩnh vực khai khoáng lại đóng góp rất ít vào nền kinh tế nước này. Do vậy, quốc gia Ðông Nam Á đang lên kế hoạch chuyển đổi.

Hoạt động khai thác than tại tỉnh Đông Kalimantan, Indonesia. Ảnh: Bloomberg

Indonesia sở hữu nhiều mỏ khoáng sản, bao gồm thiếc, niken, coban, bô-xít và đây là những nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất xe điện. Mặc dù xuất khẩu lượng lớn, lĩnh vực than và khoáng sản chỉ chiếm 5% GDP của Indonesia năm 2019.

Thế nên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quốc gia vạn đảo này đang muốn từ bỏ việc xuất khẩu nguyên liệu thô, thay vào đó là tập trung phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn. Các hoạt động hạ nguồn liên quan tới việc xử lý nguyên liệu thô thành các sản phẩm hoàn chỉnh để tạo ra giá trị gia tăng. Ví dụ như, dầu thô có thể được tinh chế thành xăng dầu, diesel và nhựa.

Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo từng nói nước này luôn xuất khẩu nguyên liệu thô trong khi cách tốt hơn là xử lý và tiêu thụ nội địa thông qua ngành công nghiệp hạ nguồn. Nằm trong kế hoạch đó, Indonesia hồi tháng 1-2020 đã cấm xuất khẩu quặng niken, trong khi chính phủ cam kết từng bước kết thúc xuất khẩu các nguyên liệu thô khác. “Tôi nghĩ chúng tôi có thể gặt hái nhiều lợi ích từ việc ngừng xuất khẩu quặng niken. Vì vậy, năm tới chúng tôi sẽ ngừng xuất khẩu quặng bô-xít, rồi sau đó là quặng vàng và thiếc”, Tổng thống Widodo khẳng định hồi cuối năm 2021. Phát triển ngành công nghiệp hạ nguồn được dự báo sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng tỷ suất lợi nhuận cho lĩnh vực khoáng sản cũng như cắt giảm lượng khí thải carbon. Chú trọng vào hoạt động hạ nguồn cũng sẽ kéo giảm nguy cơ hứng chịu tình trạng giá cả hàng hóa dao động và giảm lệ thuộc vào nhập khẩu.

Indonesia nhắm vào 3 lĩnh vực chính để thực hiện kế hoạch trên, gồm ngành công nghiệp khoáng sản và khai khoáng, công nghiệp nhiên liệu và than, công nghiệp chế biến. Indonesia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới với 21 triệu tấn. Nền kinh tế lớn nhất Ðông Nam Á hy vọng chuyển đổi niken thô thành những sản phẩm cao cấp hơn như pin lithium-ion dùng cho xe điện, bước đi mà họ tin rằng sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. “Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu về những đổi mới đối với pin lithium-ion và dự kiến trong 2-3 năm tới chúng tôi có thể sản xuất pin lithium-ion”, Tổng thống Widodo chia sẻ vào năm 2020.

Indonesia hiện là quốc gia sản xuất than lớn thứ 4 thế giới và đứng đầu toàn cầu về xuất khẩu than nhiệt. Năm 2020, sản lượng than của Indonesia đạt 564 triệu tấn và xuất khẩu 405 triệu tấn, chiếm 31,2% lượng than xuất khẩu của thế giới.

Indonesia, nhà nhập khẩu khí hóa lỏng (LPG) lớn thứ 4 ở châu Á, dự định sẽ giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LPG đắt đỏ cũng như hướng tới tối ưu hóa nguồn than đá. Theo đó, Công ty than quốc doanh Bukit Asam của Indonesia gần đây đã khởi công xây dựng nhà máy khí hóa than trị giá 2,3 tỉ USD ở tỉnh Nam Sumatra. Nhà máy do Bukit Asam phối hợp với Công ty Air Products của Mỹ đầu tư, có công suất xử lý 6 triệu tấn than cấp thấp để sản xuất ra 1,4 triệu tấn dimethyl ether (DME, một dạng nhiên liệu sinh học mới) mỗi năm, có thể giúp Indonesia giảm nhập khẩu 1 triệu tấn LPG/năm.

Chia sẻ bài viết