27/07/2011 - 07:29

KHỦNG HOẢNG NỢ TẠI CHÂU ÂU VÀ MỸ

IMF kêu gọi tránh "cú sốc nặng"

Tổng thống Obama (giữa) trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện John Boehner (trái) thương lượng về mức giới hạn nợ hôm 23-7.
Ảnh: Reuters

Ngày 25-7, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s một lần nữa hạ mức tín dụng của Hy Lạp, tình huống được xem gần như tuyên bố vỡ nợ ở xứ sở thần thoại. Trong khi đó, cuộc thương lượng về việc nâng mức trần nợ công ở Mỹ vẫn bế tắc khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải lên tiếng hối thúc để tránh “cú sốc nặng” cho nền kinh tế thế giới.

Khi xem xét kế hoạch giải cứu mới của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp vừa được nhất trí hồi tuần rồi, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đặt vấn đề về tác động lâu dài của các điều kiện, mà theo đó các nước mắc nợ lớn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể vay mượn tiền. Moody’s đánh giá rằng kế hoạch của EU cải thiện viễn cảnh tài chính của Athens trong vài năm tới và có thể sẽ ngăn chặn được nhiều vấn đề làm suy giảm niềm tin lan rộng từ Hy Lạp tới các nước như Ireland và Bồ Đào Nha, giảm thiểu nguy cơ khó khăn tài chính chuyển thành khủng hoảng rộng hơn ở châu Âu.

Tuy nhiên, theo Moody’s, kế hoạch giải cứu tạo ra một “tiền lệ tiêu cực”. Hiện 17 nước Eurozone cho thấy họ “cởi mở” với tình trạng không trả được nợ của quốc gia thành viên, nên Moody’s cho rằng nhiều nước khác có thể sẽ theo chân Hy Lạp. Theo đánh giá của Moody’s, nhiều mặt tích cực của kế hoạch cũng cần được so sánh với “những mặt tiêu cực liên quan gói giải cứu là liệu có bất kỳ nước nào đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng giống như Hy Lạp hay không”. Với các chủ nợ của những nước như vậy thì mặt tiêu cực luôn nhiều hơn tích cực.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trấn an Trung Quốc, nước nắm giữ trái phiếu Mỹ lớn nhất, và các nước châu Á khác. Phát biểu tại Hồng Công hôm đầu tuần, bà Clinton nói: “Nhiều người hỏi làm thế nào Mỹ giải quyết được thách thức về mức trần nợ công. Tôi đảm bảo rằng chúng tôi hiểu vấn đề và mức độ quan trọng của việc này đối với nước Mỹ và với các bạn”.

Trong khi đó, cuộc tranh cãi về mức trần nợ công ở Mỹ vẫn chưa ngã ngũ. Hôm 25-7, Chủ tịch Hạ viện John Boehner chỉ trích Tổng thống Barack Obama đã tạo ra “bầu không khí khủng hoảng” trong đàm phán về tăng mức giới hạn nợ. Ông Boehner cho rằng nếu tổng thống đơn giản ký luật mà Hạ viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua để tăng giới hạn nợ, thì bầu không khí đó sẽ “biến mất”. Dự luật được Hạ viện trình lên Thượng viện đồng ý nâng mức trần vay nợ quốc gia của Mỹ thêm 2.400 tỉ USD với điều kiện chính quyền về dài hạn phải đồng ý cắt giảm chi tiêu hàng ngàn tỉ USD. Trong khi đó, Tổng thống Obama muốn thông qua “thỏa thuận cân bằng”, theo đó đồng ý cắt giảm chi tiêu công nhưng đảng Cộng hòa phải ủng hộ chính sách tăng thuế đối với người giàu.

Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố mất khả năng thanh toán nợ nếu Quốc hội nước này không bỏ phiếu nâng mức trần vay nợ quốc gia vào ngày 2-8. Trước tình hình trên, IMF kêu gọi Mỹ sớm giải quyết vấn đề nội bộ hoặc đối mặt nguy cơ bị đánh rớt mức tín nhiệm. Trong một báo cáo về kinh tế Mỹ, các chuyên gia IMF tuyên bố cần nhanh chóng nâng trần nợ liên bang để tránh một cú sốc nặng cho nền kinh tế Mỹ và các thị trường tài chính thế giới. Ban Giám đốc IMF cũng kêu gọi nhà chức trách Mỹ cắt giảm chi tiêu từng bước để tránh bị đánh tụt hạng tín nhiệm tài chính.

N. KIỆT (Theo Washingtonpost, Guardian)

Tổng thống Obama (giữa) trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện John Boehner (trái) thương lượng về mức gi̕

Chia sẻ bài viết