29/06/2011 - 21:56

Hy Lạp bùng phát bạo lực

Cảnh sát Hy Lạp đụng độ người biểu tình quá khích ở Athens hôm 28-6. Ảnh: Reuters

Bất chấp làn sóng biểu tình phản đối bùng phát thành xung đột bạo lực dữ dội, Quốc hội Hy Lạp hôm qua đã thông qua dự luật cho phép chính phủ áp dụng các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu công để đổi lấy gói cứu trợ mới của quốc tế nhằm tránh cho nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Phản đối “thắt lưng buộc bụng”

Ngày 28-6, hàng ngàn người Hy Lạp đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội khi các nghị sĩ bắt đầu ngày tranh luận thứ hai về chương trình cắt giảm chi tiêu 28 tỉ euro và tăng thuế, những điều kiện mà Athens đã cam kết với các chủ nợ quốc tế để có thể nhận được gói cứu trợ mới. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ 110 tỉ euro. Tuy nhiên, với chi phí vay tăng cao trên thị trường quốc tế, Athens hiện đang tìm gói cứu trợ mới lên tới 100 tỉ euro. EU và IMF đã yêu cầu Athens thông qua kế hoạch cắt giảm mạnh chi tiêu và chương trình tư nhân hóa trị giá 50 tỉ euro, trước khi giải ngân phần còn lại của gói cứu trợ hiện nay và xem xét gói cứu trợ mới.

Những người biểu tình đã kêu gọi các nghị sĩ Hy Lạp bác bỏ các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ. Mặc dù chính quyền đã triển khai một lực lượng lớn cảnh sát tại trung tâm thủ đô đề phòng bạo động, các nhóm thanh niên cực đoan vẫn ném bom xăng vào nhau, gây rối loạn trên nhiều đường phố. Giao thông công cộng tại Athens bị tê liệt hoàn toàn, nhiều chuyến bay phải hủy bỏ, điện bị cắt. Bạo lực đã làm hơn 40 người bị thương, trong đó có 37 nhân viên cảnh sát.

Lựa chọn “đắt giá” cho Hy Lạp

IMF - “kiến trúc sư” chương trình tiết kiệm chi tiêu của Hy Lạp và là đối tượng làm người biểu tình giận dữ - vừa có dấu hiệu cho thấy sẽ tiếp tục chính sách như hiện nay với Hy Lạp, khi ngày 28-6, bà Christine Lagarde được đề cử làm tân giám đốc điều hành quỹ này. Trên cương vị Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Lagarde từng đóng vai trò trung tâm trong phản ứng của EU và IMF về những vấn đề của Hy Lạp.

Hiện Hy Lạp có 64 tỉ euro trái phiếu sắp đến hạn trong 3 năm tới. Và theo kiến nghị do Pháp đề xuất, các chủ nợ đang nắm trái phiếu Hy Lạp sẽ được khuyến khích giữ lại một phần tiền trái phiếu đến hạn của họ. Lựa chọn chính trong kiến nghị của Pháp là để các chủ nợ đồng ý tái đầu tư một nửa số tiền thu được vào trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Hy Lạp, với lãi suất cơ bản từ 5,5% - 8%, tùy vào mức tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp. Thêm 20% số tiền trái phiếu đến hạn sẽ được đầu tư vào trái phiếu chất lượng cao zero-coupon, loại không có lãi suất hàng năm nhưng tăng giá trị theo từng năm. Khoản đầu tư đó sẽ đảm bảo hoàn trả vốn sau 30 năm.

Một sự lựa chọn khác là các chủ nợ sẽ tái đầu tư 90% trái phiếu đến hạn để lấy trái phiếu kỳ hạn 5 năm mới với lãi suất 5,5%.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cả hai lựa chọn trong kiến nghị của Pháp đều “đắt giá” cho Hy Lạp. Khác với việc trả lãi cho trái phiếu theo lựa chọn đầu tiên, Hy Lạp sẽ phải trả giá bằng tổn thất kinh tế cho 20% đầu tư vào trái phiếu zero-coupon. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu Hy Lạp đảm bảo tăng trưởng kinh tế 2%/năm trong 30 năm, thì các nguồn quỹ của Athens tổn thất hàng năm là 10%. Một công ty xếp hạng tín dụng cho rằng cơ cấu này được xem là vỡ nợ và sẽ không làm giảm gánh nặng nợ sắp không thể chịu đựng nỗi của Hy Lạp.

N. KIỆT (Theo WSJ, Reuters)

Chia sẻ bài viết