 |
Bệnh nhân lao đa kháng thuốc nhận thuốc điều trị tại Tổ Lao, Trung tâm Y tế quận Ninh Kiều. Ảnh: H.HOA |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo lao trở thành vấn đề khẩn cấp toàn cầu. Theo WHO và Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG), mỗi năm ở Việt Nam có 176.000 bệnh nhân mới mắc lao, tử vong do lao khoảng 30.000 ca. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, PGS.TS Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm CTCLQG cho biết:
Việt Nam xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới và xếp thứ 14 trong 27 nước có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao trên toàn cầu. Bệnh lao là nguyên nhân hàng đầu làm trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Ở phụ nữ, tình hình mắc bệnh lao nặng nề hơn nam. Do phần lớn chị em khi mắc bệnh, cố gắng lao động, giấu bệnh vì sợ chồng bỏ... nên phát hiện và điều trị bệnh muộn. Do vậy, bệnh lao cũng là nguyên nhân tử vong cao nhất ở phụ nữ. Bệnh lao cũng là căn bệnh của đói-nghèo, nhóm người nghèo mắc lao cao hơn 2,5 lần so với nhóm không nghèo. 75% bệnh nhân mắc bệnh ở lứa tuổi lao động, mỗi bệnh nhân ít nhất cũng mất từ 3-4 tháng không lao động. Ảnh hưởng lớn đến kinh tế của gia đình và sự phát triển kinh tế - xã hội.
* Thưa PGS, vẫn còn nhiều bệnh nhân lao chưa được quản lý, điều trị, vì sao?
- Hiện nay, mạng lưới phòng chống lao có từ trung ương (Bộ Y tế) đến tận các xã, phường, thị trấn. Thuốc điều trị được cấp đến tận các trạm y tế. Từ đó trạm quản lý và cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế rất đáng ngại, khi bệnh nhân có triệu chứng bị lao thì có đến 37% không đi điều trị, trong đó phần lớn là phụ nữ; chỉ có 21% bệnh nhân tìm đến y tế xã và bệnh viện, còn lại họ tìm đến với y tế tư, tiệm thuốc tây... trong khi các nơi này không khai báo, báo cáo với cơ quan quản lý về việc điều trị nên có đến 40% bệnh nhân lao chưa được quản lý. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để bệnh nhân có những triệu chứng sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi, sút cân, đổ mồ hôi trộm, ho khạc đàm trên 2 tuần... đi khám ở các phòng khám chuyên về lao. Đồng thời, CTCLQG cũng tăng cường năng lực chẩn đoán cho các cơ sở y tế, đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ sở y tế công và tư để sớm phát hiện bệnh nhân và đưa họ vào các chương trình điều trị.
Mục tiêu của CTCLQG giai đoạn 2011-2015 là giảm 50% số bệnh nhân hiện mắc so với ước tính năm 2000 và khống chế bệnh nhân lao kháng đa thuốc bằng mức năm 2010, đến năm 2030 thanh toán bệnh lao ở Việt Nam.
* Thưa PGS, trong khi chiến lược chống lao toàn cầu đưa ra mục tiêu đến năm 2050 loại trừ bệnh lao ra khỏi vấn đề sức khỏe cộng đồng, Việt Nam thực hiện sớm hơn 20 năm, vậy CTCLQG có những giải pháp đột phá nào để thực hiện mục tiêu này?
- Trong bối cảnh hiện nay, công tác chống lao đang gặp rất nhiều thách thức. Về nhân lực, chỉ có 1,58 bác sĩ/100.000 dân. Các bác sĩ làm công tác chống lao đang già đi mà không có người thay thế. Trong đó nhiều cán bộ làm công tác chống lao chuyển công tác làm cho cán bộ chống lao càng thiếu hụt thêm. Bác sĩ giám đốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Đà Nẵng còn báo động, 10 năm nay, bệnh viện chưa tuyển thêm được 1 bác sĩ nào làm công tác lao. Do nguy cơ lây bệnh cao, thu nhập thấp, xã hội kỳ thị nên không thu hút được bác sĩ.
Thêm vào đó, chế độ bồi dưỡng cho người làm công tác chống lao còn thấp, (chi theo Thông tư 147/2007/TTLB-BYT-BTC ngày 12-2-2007) chi cho cán bộ y tế khám, phát hiện một nguồn lây có 20.000 đồng. Chưa kể bảo hiểm y tế ở tuyến xã và y tế tư nhân còn hạn chế, triển khai không đồng bộ, thuốc chống lao bán không theo đơn... làm cho tình hình bệnh lao thêm trầm trọng. Ước tính kinh phí cho chương trình chống lao giai đoạn 2011-2015 là hơn 340 triệu USD. Trong đó do quỹ toàn cầu hỗ trợ trên 57 triệu USD, còn lại ngân sách nhà nước đầu tư ước tính 25 triệu USD. Như vậy còn thiếu đến hơn 258 triệu USD.
Tuy đứng trước khó khăn lớn nhưng trong giai đoạn hiện nay, thế giới đã có những định hướng mới cho công tác phòng, chống lao, chuyển từ ngăn chặn sang thanh toán bệnh lao trên toàn cầu. Ngày nay, sự ra đời những kỹ thuật mới mang tính đột phá-cuộc cách mạng trong phòng chống lao (kỹ thuật chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc - xin mới, cách tiếp cận mới) chính là cơ sở để thế giới và Việt Nam thực hiện mục tiêu loại bỏ bệnh lao khỏi cộng đồng. Chưa kể nhiều tổ chức quốc tế có cơ chế đầu tư hỗ trợ cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao. Chúng tôi cũng đã thành lập Ban điều phối các đối tác phòng chống lao Việt Nam để huy động được nhiều đối tác tham gia công tác phòng chống lao.
Tuy nhiên, để có thể thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chúng tôi cần sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền các cấp. Các địa phương cần đưa kế hoạch và kinh phí hàng năm về công tác chống lao vào các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; các địa phương cũng cần có chế độ đãi ngộ riêng với người làm công tác chống lao... sẽ góp phần thiết thực trong thực hiện mục tiêu này.
* Xin cảm ơn PGS!
HUỆ HOA (thực hiện)