26/08/2019 - 19:10

Hướng dẫn học sinh kỹ năng sơ cấp cứu 

Hằng năm, nước ta có số lượng lớn trẻ em gặp các sự cố tai nạn thương tích trong sinh hoạt. Chính vì thế, Câu lạc bộ sơ cấp cứu Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tổ chức chương trình hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh các trường học trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Qua đó, giúp các em học sinh có được kiến thức cần thiết để xử lý các tình huống tai nạn bất ngờ trong cuộc sống.

Tuyên truyền viên Câu lạc bộ sơ cấp cứu hướng dẫn học sinh cách băng nẹp xương bị gãy.

Tại buổi hướng dẫn, gần 100 em học sinh đến từ các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của huyện Thới Lai được các thành viên Câu lạc bộ sơ cấp cứu tư vấn về các kỹ năng xử lý khi bị tai nạn thương tích như bị bỏng, bị rắn cắn, đuối nước, té gãy xương, chảy máu. Với cách hướng dẫn sinh động, dễ hiểu của các tuyên truyền viên năng động, các em học sinh thích thú lắng nghe và hăng hái tham gia thực hành.

Chị Trương Ngọc Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sơ cấp cứu Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ cho biết, theo các mẹo dân gian, khi bị bỏng, một số người dùng kem đánh răng thoa lên vết bỏng, có người còn dùng xăng để rửa vết bỏng cho mát. Đó là những hành động sai, có thể khiến vết thương thêm trầm trọng, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, để lại sẹo xấu trên da. Nếu bị bỏng nhẹ, các em nên đi rửa nhẹ dưới vòi nước mát, sau đó chặm khô vết bỏng bằng khăn gạc sạch. Nếu bỏng nặng, nên cắt bớt quần áo đang mặc trên người để vết bỏng thông thoáng, rửa vết bỏng rồi băng lại bằng gạc hay khăn vải sạch, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được tiếp tục chăm sóc. Sau khi vết bỏng lành, kéo da non thì có thể thoa kem nghệ giúp da không để lại sẹo.

Đối với trường hợp không may bị rắn cắn, Chị Linh cũng chia sẻ nhiều kiến thức hữu ích cho các bạn học sinh ở Thới Lai. Một số học sinh cho biết, nếu như bị rắn cắn, bạn sẽ rửa vết thương và cầm máu. Chị Ngọc Linh giải thích, vết thương do rắn cắn chỉ rươm rướm máu chứ không chảy máu ồ ạt. Việc cần làm sau khi bị rắn cắn, nếu có thể, là nên tìm đập chết con rắn đó và mang đến cơ sở y tế. Bác sĩ sẽ nhận diện được rắn có độc không và thuộc loại nào để việc điều trị đạt hiệu quả nhanh chóng, kịp thời. Khi bị rắn cắn, trước hết các em phải rửa sạch vết cắn, không được nặn máu hay dùng miệng hút máu từ vết cắn; không dùng dao rạch làm lớn vết thương, vì dao không đảm bảo vô trùng sẽ khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, làm độc. Tiếp theo, nên garo cách vết rắn cắn từ 3 - 5cm nhằm hạn chế chất độc lan tỏa, rồi nhanh chóng đưa người bệnh đến Bệnh viện 121 ở quận Ninh Kiều. Đây là đơn vị tin cậy điều trị hiệu quả các trường hợp bị rắn độc cắn nhiều năm qua. 

Ngoài hướng dẫn sơ cứu vết bỏng, vết rắn cắn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sơ cấp cứu còn hướng dẫn các em học sinh trang bị một túi y tế nhỏ với các dụng cụ bông băng, gạc, thuốc sát trùng mang theo bên người, để có thể xử trí sơ cấp cứu, bảo vệ bản thân trước các tai nạn bất ngờ xảy ra.

Tham gia lớp tập huấn, bạn Cẩm Tiên, học sinh Trường Trung học Phổ thông Thới Lai, chia sẻ: “Chỉ trong một buổi mà em và các bạn được cung cấp nhiều kiến thức bổ ích để xử lý trong những trường hợp tai nạn, giúp cho chính mình và người thân, những người xung quanh”. Trong hoạt động của chương trình, các thành viên Câu lạc bộ Sơ cấp cứu Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ còn hướng dẫn các bạn học sinh kỹ năng thực hành sơ cấp cứu khi bị chảy máu động mạch, bị gãy xương do té ngã hay cấp cứu các trường hợp đuối nước.

Bài, ảnh: Thu Sương

Chia sẻ bài viết