17/09/2017 - 09:23

Hục hặc với NATO, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang Nga 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây tuyên bố, nước này đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 của Nga. Đây là dấu hiệu rõ nhất cho thấy Ankara chuyển hướng sang Mát-xcơ-va, đồng thời quay lưng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà họ là thành viên.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 là thỏa thuận đáng chú ý nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Ảnh: Sputniknews 

"Thỏa thuận đã được ký kết để mua các hệ thống S-400 từ Nga. Theo tôi biết, một khoản tiền đặt cọc đã được trả. Tổng thống Nga Vladimir Putin và bản thân tôi quyết tâm về vấn đề này”- ông Erdogan phát biểu trước các phóng viên trên chuyến bay trở về từ chuyến công du Kazakhstan. Dù thỏa thuận đã được công khai từ nhiều tháng trước, nhưng tuyên bố trên là lời xác nhận đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ chuyển tiền mua S-400. Phía Nga cũng xác nhận điều này.

Thỏa thuận trên củng cố nỗ lực nối lại quan hệ với Nga, bất chấp bất đồng về cuộc chiến ở Syria và nó cũng xảy ra trong bối cảnh quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang căng thẳng. Theo báo New York Times, chắc chắn động thái này sẽ chọc giận các quan chức ở Washington và Brussels vốn đang tìm cách giữ Ankara khỏi bị rơi vào tầm ảnh hưởng của Mát-xcơ-va. Phát biểu của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ được đưa  ra như sự đáp trả đối với 2 vụ việc pháp lý được thông báo ở Mỹ hồi tuần rồi, liên quan đến các cận vệ của ông Erdogan trong chuyến thăm Washington giữa năm nay và nhóm người Turk.

Thổ Nhĩ Kỳ còn có các lý do khác để mua vũ khí từ Nga. Theo chuyên gia Asli Aydintasbas tại Hội đồng châu Âu về các mối quan hệ nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ cần khai thác mối quan hệ tốt đẹp với Nga và cũng phải xây dựng hệ thống phòng thủ quân sự của riêng mình. Thực ra, năng lực phòng thủ tập thể của NATO hiệu quả đối với Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh do Mỹ dẫn đầu này từng triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại đây những lúc căng thẳng tăng cao với Syria. Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan đã mất niềm tin ở phương Tây kể từ vụ đảo chính bất thành ở nước này hồi năm ngoái- vụ việc mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho là âm mưu của phương Tây hòng lật đổ ông. Sau vụ đảo chính trên, nhiều nhà lãnh đạo EU đã chỉ trích gay gắt những hành động được cho là “thanh trừng” của ông Erdogan trong nước.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO từ năm 1952, nhưng con đường để nước này gia nhập EU lại đang gập ghềnh bởi một đồng minh của họ trong NATO. Mối quan hệ Đức- Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép ngày càng lớn sau khi Tổng thống Erdogan bắt đầu “trấn áp” các đối thủ chính trị sau vụ đảo chính. Hai nước còn bất đồng về việc Berlin từ chối dẫn độ những người xin tị nạn mà Ankara tố là dính líu đến vụ đảo chính. Ngược lại, Đức yêu cầu phóng thích các công dân nước này bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ với các cáo buộc chính trị trong những tháng qua. Quan hệ song phương xấu đi dẫn đến việc Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc tranh luận trên truyền hình hồi đầu tháng này khẳng định rằng bà sẽ tìm cách kết thúc các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ và trước mắt đã hoãn các thương vụ cung cấp vũ khí cho quốc gia này.

THANH BÌNH (Theo AFP, Reuters)

Chia sẻ bài viết