15/06/2015 - 21:11

Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp

Đó là một nội dung quan trọng được điều chỉnh tại Nghị định số 48/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo Nghị định, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo cần đáp ứng nhiều điều kiện. Trong đó, về cơ sở vật chất diện tích phòng học lý thuyết tối thiểu 1,5m2/chỗ học, diện tích phòng học thực hành tối thiểu từ 4-6m2/chỗ thực hành; xưởng thực hành đủ tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu thực hành theo chương trình đào tạo… Nhà giáo giảng dạy tại các chương trình liên kết đào tạo ít nhất phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương. Nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy tại các chương trình liên kết đào tạo ít nhất phải có 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy. Tỷ lệ tối đa 25 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề thuộc lĩnh vực nhân văn, kinh tế và dịch vụ; 20 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và 15 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề yêu cầu về năng khiếu của người học. Bên cạnh, người vào học chương trình liên kết đào tạo để cấp bằng của nước ngoài ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương.

Đối với dự án thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất 60 triệu đồng/người học (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đối với dự án đầu tư thành lập trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư xin mở phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 100 triệu đồng/người học. Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính tại thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 100 tỉ đồng.

Nghị định cũng quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị đình chỉ tuyển sinh hoạt động liên kết đào tạo trong các trường hợp: tại thời điểm tuyển sinh không đáp ứng các điều kiện bảo đảm cho hoạt động liên kết, có hành vi gian lận để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo, tổ chức tuyển sinh khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo.

Chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo trong các trường hợp: theo đề nghị của các bên liên kết, hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh nhưng không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh, có hành vi vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, không triển khai hoạt động liên kết đào tạo sau thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo.

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày bị đình chỉ tuyển sinh hoặc bị chấm dứt hoạt động liên kết đào tạo, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho người học, thanh toán các khoản thù lao giảng dạy, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người học, của nhà giáo, viên chức, người lao động theo hợp đồng lao động đã ký kết hoặc thỏa ước lao động tập thể, thanh toán các khoản nợ thuế và các khoản nợ khác (nếu có).

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2015.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết