27/10/2020 - 08:46

Hợp tác nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa 

Các hợp tác xã (HTX) đang giữ vai trò quan trọng trong việc liên kết những người sản xuất nhỏ lẻ thành một tập thể thống nhất, sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết sản xuất với tiêu thụ hàng hóa. Song trước sức ép cạnh tranh thị trường, vấn đề thương mại hóa sản phẩm của các HTX cần được quan tâm đúng mức để giải quyết hài hòa bài toán đầu ra, nâng cao uy tín, thương hiệu của sản phẩm lẫn HTX.

Dây chuyền chế biến gạo đóng túi của Công ty Lương thực Sông Hậu.

►Khẳng định uy tín, thương hiệu

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, các HTX trên địa bàn thành phố đã tham gia hiệu quả vào quá trình hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm hàng hóa. Ðơn cử ở lĩnh vực nông nghiệp, các tổ hợp tác, HTX đã liên kết sản xuất và cung ứng trái cây, rau màu vào các cửa hàng, siêu thị như Co.opmart, VinMart, Big C…; hoặc liên kết với doanh nghiệp như Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty CP Gentraco, Công ty TNHH Thủy sản Biển Ðông, Công ty TNHH Trái cây Mekong, Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ, Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây…; cung cấp nguyên liệu đầu vào như gạo, thủy sản, trái cây phục vụ chế biến xuất khẩu. Ðể quá trình liên kết được thực hiện hiệu quả, HTX đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện quy trình canh tác, sản xuất ra sản phẩm hàng hóa.

Phát triển theo mô hình HTX kiểu mới, HTX Rau an toàn phường Long Tuyền đã từng bước thay đổi phương thức hoạt động cũng như cách thức tiếp cận thị trường. Ông Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, chia sẻ: Ðể giữ vững uy tín, thương hiệu, tập thể xã viên HTX rất có ý thức trong việc tuân thủ quy trình canh tác rau màu an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ khẳng định được chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa quy trình sản xuất, HTX đã tự tin giới thiệu sản phẩm đến các kênh phân phối hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích của Bách Hóa Xanh, Satra Foods, các bếp ăn tập thể trong trường học, doanh nghiệp. HTX cũng đang có hướng mở rộng vùng sản xuất, đa dạng thêm sản phẩm để cung cấp ra các tỉnh vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh.

Theo Thạc sĩ Mai Quỳnh Phương, Giảng viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại (Bộ Công Thương), kinh tế hợp tác và HTX ngày càng phát triển về số lượng lẫn quy mô, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… Tuy nhiên, các sản phẩm của HTX thường có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, giá trị gia tăng thấp. Quá trình liên kết chuỗi giá trị còn yếu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế; sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu. Do đó, để nâng cao giá trị sản phẩm của HTX, việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm là nhu cầu tất yếu và cần được quan tâm đúng mức.

►Nỗ lực thương mại hóa sản phẩm

Các chuyên gia cho rằng, yêu cầu của thị trường trong nước tăng cao trong khi các sản phẩm trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Cùng với đó, các rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm từ nước nhập khẩu ngày một khắt khe hơn. Thạc sĩ Mai Quỳnh Phương cho rằng: Việc phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sẽ góp phần mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm; chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Ðồng thời, giúp các thành viên HTX sản xuất theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc. HTX và tập thể xã viên phải nhận thức được rằng, nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa là tài sản trí tuệ của mình. Khi sản xuất thành công sản phẩm, HTX phải đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu càng sớm càng tốt. Có sản phẩm tốt và tạo dựng được thương hiệu tốt cũng đồng nghĩa với việc tạo lập được niềm tin tốt đối với khách hàng.

Nhìn chung, việc phát triển thương hiệu cộng đồng có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các HTX. Phát triển các thương hiệu cộng đồng còn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Qua đó,  HTX cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát huy vai trò của các thương hiệu, tổ chức phát triển hiệu quả các thương hiệu được bảo hộ để tổ chức sản xuất thương mại sản phẩm ra thị trường. Ðặc biệt, thương mại điện tử được xem là công cụ nhanh nhất để hỗ trợ cho HTX theo dõi đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Các HTX cần ứng dụng thương mại điện tử trong xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, chuyển đổi sang phương thức kinh doanh hiện đại; kết nối HTX tới khách hàng, kết nối các HTX để đưa sản phẩm đến siêu thị, nhà phân phối…

Theo ông Nguyễn Minh Toại, TP Cần Thơ đã và đang khuyến khích các thành phần kinh tế ứng dụng thương mại điện tử để kết nối phát triển thị trường. Sở Công Thương cũng vận động các HTX tranh thủ tiếp cận với kênh thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường và khách hàng để kết mối mở rộng kênh phân phối hàng hóa, gia tăng năng lực cạnh tranh. Ngành Công Thương thành phố đang nỗ lực phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho các HTX từng bước nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, các chương trình dự án liên quan. Vấn đề cốt lõi là các HTX phải ý thức được rằng xây dựng sản phẩm tốt, quản lý tốt sẽ tranh thủ được lòng tin của khách hàng; từ đó xây dựng được thương hiệu, uy tín cho HTX.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết