24/02/2021 - 18:13

Hơn 6.500 công nhân thiệt mạng vì World Cup 2022 

Tờ Guardian (Anh) vừa tiết lộ, hơn 6.500 công nhân nhập cư từ Ấn Ðộ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka đã thiệt mạng tại Qatar kể từ khi nước này giành quyền đăng cai World Cup 2022 cách nay 10 năm.

 Công nhân phải thường xuyên làm việc dưới cái nóng gay gắt ở Qatar. Ảnh: Guardian

 Công nhân phải thường xuyên làm việc dưới cái nóng gay gắt ở Qatar. Ảnh: Guardian

Như vậy, trung bình mỗi tuần có tới 12 lao động nhập cư từ 5 quốc gia Nam Á nói trên bỏ mạng kể từ thời điểm Qatar được giành quyền đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh hồi tháng 12-2010. Tuy nhiên, tổng số công nhân bỏ mạng thực tế được cho cao hơn đáng kể, bởi số liệu thống kê trên không bao gồm những trường hợp tử vong đến từ nhiều nước khác, trong đó có Philippines và Kenya. Mặt khác, những trường hợp tử vong trong những tháng cuối năm 2020 cũng không được tính vào.

Chính phủ phớt lờ?

Qatar được cho đã thất bại trong việc bảo vệ lực lượng lao động nhập cư lên tới gần 2 triệu người ở nước này cũng như trong việc điều tra nguyên nhân gây ra tỷ lệ tử vong cao ở lao động trẻ.

Theo Guardian, nguyên nhân tử vong ở lao động nhập cư bao gồm đa chấn thương do ngã từ trên cao, nhưng phổ biến nhất là “cái chết tự nhiên” do suy tim cấp tính hoặc suy hô hấp. Theo dữ liệu mà Guardian thu được, có 69% trường hợp công nhân Nepal và Bangladesh tử vong được xem là “cái chết tự nhiên”, trong khi tỷ lệ này đối với công nhân Ấn Ðộ lên tới 80%. Ðáng lo ngại khi đa số nguyên nhân gây tử vong được xác định mà không qua khám nghiệm tử thi, buộc giới luật sư Qatar hồi năm 2014 khuyến nghị chính phủ nước này tiến hành nghiên cứu về cái chết của những lao động nhập cư do ngừng tim, thậm chí yêu cầu sửa đổi luật nhằm “cho phép khám nghiệm tử thi trong mọi trường hợp chết bất ngờ hoặc đột ngột”. Song, Chính phủ Qatar đã phớt lờ.

Do đó, đại diện gia đình các công nhân nhập cư thiệt mạng hoặc bị thương tại các công trình xây dựng ở Qatar nhiều lần kêu gọi Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) trao quyền đăng cai giải đấu này cho một quốc gia khác trừ khi Doha đảm bảo an toàn cho lao động nhập cư.

Điều kiện làm việc khắc nghiệt

Trong 10 năm qua, Qatar triển khai chương trình xây dựng chưa từng có, phần lớn là để chuẩn bị cho World Cup 2022. Ngoài 7 sân vận động mới, Doha đã hoàn thành hoặc đang triển khai hàng chục dự án lớn khác, như sân bay, đường xá, hệ thống giao thông công cộng, khách sạn và một thành phố mới, nơi sẽ tổ chức trận chung kết World Cup 2022. Song, với 95% lực lượng lao động là dân nhập cư, nhiều người đã trở thành nạn nhân của hệ thống lao động hà khắc. Theo đó, lao động nhập cư tại Qatar thường bị trả lương trễ, thậm chí còn bị “bỏ đói”.

Không những vậy, để đảm bảo có được việc làm, họ phải trả phí tuyển dụng tương đối cao, nhưng chỉ nhận lại mức lương thấp. Nhiều công nhân thậm chí chỉ được trả 35 bảng Anh/tuần. Trong khi đó, người lao động phải đối mặt với điều kiện lao động khắc nghiệt và nguy hiểm, như làm việc dưới thời tiết nóng bức.

Năm 2019, Guardian phát hiện chính cái nóng gay gắt vào mùa hè của Qatar đã khiến nhiều công nhân tại đây tử vong, trùng khớp với kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy ít nhất 4 tháng trong năm, người lao động tại quốc gia giàu dầu mỏ này phải đối mặt với nhiệt độ cao khi làm việc ngoài trời. Ngoài ra, chỗ ở của họ cũng không khá hơn là bao. Ðó là những ký túc xá giá rẻ, tồi tàn. Dẫu vậy, họ không thể rời khỏi nước này do không được cấp thị thực xuất cảnh.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết