10/05/2014 - 22:02

Hỏi cho có!

Vai diễn Võ Thị Sáu rất tốt nhưng với câu hỏi "Bạn biết gì về nhân vật Võ Thị Sáu" đã hạn chế phần trả lời của thí sinh Lâm Ngọc Hoa (Đoàn cải lương Cao Văn Lầu) tại Giải Trần Hữu Trang năm 2014.

Hiện nay, trong nhiều cuộc thi văn hóa, văn nghệ, sắc đẹp, ngoài phần thi chuyên môn, tài năng, ban tổ chức thường có phần thi vấn đáp để thí sinh có dịp thể hiện kiến thức, tài hùng biện. Đây là một phần thi quan trọng, đôi lúc có tính quyết định ai sẽ đoạt giải cao nhất nên thu hút sự chờ đợi của khán giả. Thế nhưng, thực tế nhiều cuộc thi vừa qua cho thấy, thi vấn đáp không được xem trọng, đầu tư đúng mức, để lại nhiều dư luận không tốt. Nhiều người vẫn trách thí sinh trả lời sáo mòn, thiếu chiều sâu nhưng ít ai để ý nguyên nhân từ những câu hỏi "thiếu đầu tư" của ban tổ chức.

Giải thưởng Trần Hữu Trang năm 2014 do Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức vừa kết thúc tại tỉnh Bạc Liêu vào cuối tháng 4. Đó sẽ là một cuộc thi hoàn hảo nếu giám khảo không đưa ra những câu hỏi "huề vốn" ở vòng chung kết. Thí sinh nào cũng nhận được những câu hỏi dạng: Ai? Việc gì? Ở đâu? Bao giờ?... Thí sinh Lâm Ngọc Hoa (Bạc Liêu) đã diễn xuất sắc vai Võ Thị Sáu trong trích đoạn cùng tên lại nhận được câu hỏi: "Bạn cho biết đôi nét về nhân vật Võ Thị Sáu?"; tương tự thí sinh Hoàng Hải (TP Hồ Chí Minh) thì nhận được câu hỏi về trích đoạn "San Hậu": "Vở này do ai chuyển thể cải lương, đoàn nào dựng đầu tiên…?". Những câu hỏi như thế làm sao thí sinh có thể trả lời hay, thể hiện tâm huyết với nghề bởi chỉ cần lên "google" tìm kiếm là có. Các câu hỏi còn lại đều giống nhau kiểu: "Bạn hiểu gì về nhân vật mà bạn đang diễn?". Việc nắm bắt diễn biến tâm lý, đào sâu nội tâm nhân vật là việc sơ đẳng mà nghệ sĩ nào muốn "áp vai" cũng phải làm. Vì vậy, liệu câu hỏi ấy có quá thừa?

Tương tự, việc đặt câu hỏi trong nhiều cuộc thi văn - thể - mỹ ở nước ta cho thấy sự rập khuôn, tùy tiện, dễ dãi của ban tổ chức. Thi hoa hậu nhất định sẽ có câu sáo rỗng tồn tại qua hàng trăm cuộc thi: "Nếu đoạt vương miện, em sẽ làm gì?", "Bạn nghĩ gì về câu "Cái nết đánh chết cái đẹp"?"… Tình trạng chung ở nhiều cuộc thi là ban tổ chức đặt câu hỏi và đưa ra đáp án để thí sinh học thuộc, lên sân khấu chỉ là để "trả bài", biến thí sinh thành những "con vẹt".

Ở nhiều cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế, những câu hỏi thường rất thú vị, ngắn gọn nhưng hoàn toàn "mở" cho thí sinh thể hiện cá tính và học vấn của mình. Tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2010 tổ chức ở Việt Nam, trước câu hỏi: "Bạn sẽ diễn tả vẻ đẹp của Mẹ Trái Đất như thế nào với những đứa trẻ khiếm thị?", thí sinh người Puerto Rico tự tin: "Trước hết, tôi sẽ nói với các em hãy lắng lòng và mở rộng tâm hồn; hãy chạm tay vào nước để cảm nhận sự mềm mại, mát lành và chạm tay vào đất để cảm nhận sự rắn rỏi, cứng cáp... Em sẽ thấy Mẹ Trái Đất đẹp đến dường nào!".

"Trông người mà nghĩ đến ta", bao giờ các cuộc thi của chúng ta mới có những câu hỏi và câu trả lời khiến người xem nhớ mãi như vậy?

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết