11/10/2016 - 21:45

Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh góp phần phòng chống tham nhũng

HUỲNH THƯƠNG
(Nhà báo lão thành, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Cần Thơ)

Từ Cách mạng Tháng tám thành công, xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đều được học tập đạo đức Hồ Chí Minh. Thế nhưng đến nay, qua 71 năm rồi, mà tham nhũng vẫn còn. Có người nói vì số người ấy không hiểu sâu xa đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Thật ra, số này là số ít cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và một số ít đồng bào đã tiếp tay cho tham nhũng. Theo tôi, làm gì mà số người ấy không hiểu, không nhớ đạo đức Hồ Chí Minh. Cần và Kiệm là rõ rồi. Liêm là không tham nhũng, không tham rượu chè say sưa. Chính là làm việc công minh, chính trực, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, giữ tốt hạnh phúc gia đình, không quan hệ nam nữ bất chính. Chí công là một lòng vì dân, vì nước, vì Đảng. Vô tư là khi làm việc công không chỉ nghĩ quyền lợi riêng mình.

Tháng 11 năm 1945, các nhà báo hỏi Bác Hồ làm sao đưa đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư vào đại chúng. Bác nói đại ý là những điều này gọn, rõ, mọi người có thể "dễ hiểu" và có thể "làm theo", quyết tâm khôi phục lại nền đạo đức dân tộc bị chế độ cũ làm mất đi.

Năm 1946, khi Bác qua Pháp dự các cuộc hội nghị thương thuyết về quyền độc lập tự chủ của Việt Nam, một nhà báo hỏi rằng: "Ngài theo chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Tôn Dật Tiên?". Bác đã trả lời: "Học thuyết Khổng Tử có cái hay là đạo đức con người. Học thuyết Giê-Su có cái hay là lòng nhân ái. Chủ nghĩa Mác có cái hay là thuyết biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là thích hợp với những điều kiện của nước chúng ta. Khổng Tử, Giê-Su, Mác, Tôn Dật Tiên có những chỗ giống nhau. Các vị ấy đều muốn làm lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin rằng các vị ấy sẽ chung sống với nhau thoải mái như những người bạn tốt. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Tôi chính là tôi ngày trước "một người yêu nước".

Rõ ràng "cái tôi yêu nước" của Bác Hồ thể hiện nhân cách và đạo đức truyền thống dân tộc, có tiếp thu tinh hoa văn hóa - đạo đức Cổ - Kim, Đông – Tây, coi trọng nhân tính, nhân tình giữa người và người, thể hiện trong các điều Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư.

Trải qua công cuộc giải phóng và thống nhất Tổ quốc, xây dựng đất nước có nhiều sức mạnh thần kỳ. Trong đó, sức mạnh kỳ diệu của đạo đức cần kiệm liêm chính chí công vô tư đã góp phần đưa Đảng ta, Nhà nước ta, quân đội ta và nhân dân ta đánh thắng giặc Pháp và giặc Mỹ xâm lược; đoàn kết sáng tạo ra thời kỳ đổi mới, mạnh dạn tạo nên những bước đột phá chiến lược đem lại những thành tựu rất lớn cho đất nước và nhân dân ta.

Nói về đạo đức, tôi xin phép được nhắc lại hồi năm 1990, có một nghị quyết của Bộ Chính trị nói về tăng cường công tác vận động tôn giáo trong tình hình mới nhằm tôn trọng đúng mức tự do tín ngưỡng, "đạo gắn bó với dân tộc", thực hiện "tốt đời, đẹp đạo", "đoàn kết giáo, lương" hướng lên đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều này, ta nên chú ý, không phải trong nhân dân ta ai cũng có đạo. Nhiều gia đình có đạo theo dòng. Nhiều gia đình không theo đạo nào, nhưng đều có thờ cúng tổ tiên, thờ tượng "Quán thế âm bồ tát", thờ bàn ông Thiên ngoài trời… nên đoàn kết giáo, lương là điều rất quan trọng.

Đặc biệt, trong nghị quyết Bộ Chính trị năm ấy nói rằng đạo lý các tôn giáo có những điều rất phù hợp với nội dung xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa và đạo đức dân tộc (đoàn kết thương người, làm lành, lánh dữ, thiện, ác, bố thí cho người nghèo khó…). Giáo lý của các đạo có rất nhiều, nhưng vì bài viết có hạn, tôi xin phép trích một số điều răn của một số tôn giáo để bạn đọc tham khảo.

Đạo Phật có năm điều giới luật cơ bản yêu cầu tín đồ phải giữ (*):

1. Không sát sinh, không tàn hại sinh linh.

2. Không trộm cắp: Không lấy, không cướp đoạt tài sản của người khác.

3. Không tà dâm: Quan hệ vợ chồng chính đáng, không ngoại tình, không xúc phạm tiết hạnh người khác phái.

4-Không vọng ngữ: nói lời chân thật, không hư dối, không nói láo.

5- Không uống rượu: Vì rượu có thể làm loạn tính, khiến cho người ta mất hết lý trí.

Nhân đây, tôi xin ghi lại một số lời dạy của Đức Phật Thích ca mà tôi có đọc sách Phật lâu rồi, nhưng còn nhớ được sáu điều:

1-Tài sản lớn nhất của đời người là trí tuệ.

2-Ân nghĩa lớn nhất của đời người là khoan dung

3-Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

4-Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

5-Ngu dốt nhất của đời người là dối trá.

6-Sai lầm lớn nhất của đời người là để mất lương tâm.

(Theo ý kiến tôi, tham nhũng là mất lương tâm)

Đức Chúa Trời có 10 điều răn (**):

1-Thờ phượng Đức Chúa trời và kính mến Người trên hết

2- Chớ kêu tên Đức Chúa trời vô cớ.

3- Giữ luật ngày chủ nhật.

4- Thảo kính cha mẹ.

5- Chớ giết người.

6- Chớ làm sự loạn dâm.

7- Chớ lấy của người.

8- Chớ làm chứng dối.

9- Chớ tham muốn vợ, chồng người.

10- Chớ tham muốn của cải người.

Thực tế hiện nay, đại đa số gia đình cán bộ, đảng viên, gia đình có đạo, có gia đình không theo đạo nào nhưng vẫn có thờ cúng tổ tiên, thờ cúng theo phong tục Việt Nam. Trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, hầu hết các gia đình này đều đạt "gia đình văn hóa", "gia đình 3 không" (không tội phạm, không ma túy, không mãi dâm). Đó là điều đáng mừng. Đến đây, tôi xin kết thúc bài viết này với một lòng tin tưởng rằng sắp tới đây, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và mọi người dân lương, giáo tiếp tục và đồng lòng học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, tín đồ giữ những điều răn của đạo phù hợp với tình hình hiện nay thì tham nhũng sẽ giảm nhiều là chắc chắn.


(*): Trích sách "Những điểm đặc sắc của Phật giáo". Tác giả: Lâm Thế Mẫn. Thích Chân Tính dịch. NXB Tổng hợp TP HCM.

(**): Trích sách "Kinh nhỏ" Tòa giám mục Nha Trang phát hành.

Chia sẻ bài viết