24/04/2018 - 07:43

Học để làm việc ở nước ngoài 

Xuất khẩu lao động đang thu hút sự chú ý của nhiều học sinh, sinh viên ở ĐBSCL. Nắm bắt nhu cầu này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Cần Thơ đã nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề, hợp tác đào tạo, mở các khóa học ngoại ngữ... giúp người học tăng cường năng lực, đủ điều kiện sang nước ngoài học tập, lao động sản xuất.

Xu hướng mới

Giờ học tiếng Nhật của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ khá sinh động. Bạn Nguyễn Thị Mỹ Kim, sinh viên năm nhất ngành Điều dưỡng, cho biết: “Sau khi trúng tuyển ngành Điều dưỡng của trường, tôi đã đăng ký ngay khóa học này với mong muốn sau khi học xong chuyên ngành thì cũng giao tiếp và đọc hiểu được bằng tiếng Nhật. Tôi cố gắng để học tiếp lên cao hoặc làm việc tại Nhật”. Còn học viên Huỳnh Nguyễn Nguyên Hảo, từ khi học trung học phổ thông đã có ý định đi xuất khẩu lao động. Hảo chọn học ngành Điều dưỡng và nỗ lực thêm tiếng Nhật tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ.

Giờ học tiếng Nhật của thầy trò Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Ảnh: BÍCH KIÊN
Giờ học tiếng Nhật của thầy trò Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ. Ảnh: BÍCH KIÊN

Khóa học trên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ với Công ty cổ phần Dịch vụ Hợp tác quốc tế (CICS) và Tập đoàn Bệnh viện Narahigashi, Nhật Bản. Tùy từng đối tượng, thời gian khóa học được sắp xếp khác nhau; riêng sinh viên năm cuối học tập trung trong 5 tháng. Khóa học được thiết kế để sinh viên nắm vững từ vựng chuyên ngành, tìm hiểu văn hóa, đất nước con người Nhật Bản, tham gia các hoạt động trải nghiệm... đảm bảo người học đủ năng lực ngoại ngữ sang làm việc tại công ty, bệnh viện ở Nhật. Thầy Phùng Văn Kiên, giáo viên dạy tiếng Nhật của CICS, cho biết: Hiện nay, nhu cầu chuẩn bị vốn ngoại ngữ để học tập, làm việc tại Nhật rất cao. Khi mở khóa đầu tiên, vì số lượng quá đông nên đơn vị phải sắp xếp lại lớp học, điều chỉnh thời gian để đáp ứng nhu cầu của sinh viên các trường đại học, cao đẳng khác tại TP Cần Thơ.

Không chỉ Nhật Bản mà nhiều người đang hướng tới thị trường lao động Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… Bà Nguyễn Ái Nhân, ở Cà Mau, có 3 người con, cho biết: “Con trai lớn của tôi vừa tốt nghiệp cao đẳng, con thứ 2 đang học nghề ở Cần Thơ. Năm nay, con gái út chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Cả ba cháu đều học thêm tiếng Hàn hoặc tiếng Anh để có thể xuất khẩu lao động. Gia đình chúng tôi đang hướng đến Hàn Quốc, vì vợ chồng em ruột của tôi đang làm việc ở đó”.

Đa dạng, đón đầu

10 năm trước, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ lần đầu tiên thử nghiệm đào tạo trung cấp ngành Điều dưỡng tăng cường tiếng Anh. Sau đó, trường thực hiện mô hình đào tạo tăng cường tiếng Anh ổn định ở 4 ngành: Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Y sĩ; mỗi năm tuyển 400-500 học sinh. Đây được xem là chương trình đào tạo chất lượng cao của trường. Học sinh sau khi tốt nghiệp vững chuyên môn và giỏi ngoại ngữ, có thể làm việc tại các đơn vị nước ngoài. Theo lãnh đạo nhà trường, nhu cầu nhân lực ngành Điều dưỡng để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các nước phát triển ngày càng tăng. Nắm bắt nhu cầu này và để kịp chuẩn bị nguồn nhân lực xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, trường chủ động trình và được UBND TP Cần Thơ phê duyệt chủ trương hợp tác đào tạo nguồn nhân lực biết tiếng Nhật với Tập đoàn Bệnh viện Narahigashi, Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe và CICS của Nhật Bản. Đã có trên 100 sinh viên theo học chương trình này.

Tại Trường Trung cấp Miền Tây TP Cần Thơ, ngành nghề đào tạo được đa dạng hóa, đi đôi với mở các khóa ngoại ngữ phục vụ người học có dự định xuất khẩu lao động. Năm học 2018-2019, ngoài những ngành truyền thống, trường còn xét tuyển đào tạo chứng chỉ các chuyên ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; xét tuyển các ngành hệ chuyển đổi, gần giống như bằng thứ 2. Tùy vào đối tượng, bậc học mà thời gian đào tạo từ 6 tháng đến 2,5 năm. Theo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng nhà trường, bên cạnh tiếng Anh, trường sẽ phối hợp với một số đơn vị uy tín mở khóa giảng dạy tiếng Nhật buổi tối. Định hướng của trường là đào tạo tích hợp, vừa đảm bảo chuyên ngành, vừa lồng ghép giảng dạy ngoại ngữ.

Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Cần Thơ đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hướng về các ngành nghề đạt chuẩn quốc tế. Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ- một trong những đơn vị được thụ hưởng Dự án Đào tạo nghề trọng điểm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội- đã đào tạo một số nghề theo chuẩn quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia. Từ năm 2017, trường đã liên kết với Học viện Chisholm, Úc đào tạo thí điểm 2 nghề: Quản trị mạng, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm) cấp độ quốc tế.

Theo cán bộ các trường, khi triển khai chương trình chất lượng cao, khó nhất vẫn là trình độ ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế và năng lực ngoại ngữ của người học không đồng đều. Thầy Phùng Văn Kiên, giáo viên dạy tiếng Nhật của CICS, cho rằng: Phần lớn sinh viên đều không có nền tảng tiếng Nhật. Lại thêm môi trường giao tiếp tiếng Nhật ở Cần Thơ hạn chế. Tuy vậy, sinh viên Cần Thơ rất nỗ lực, kiên trì và quyết tâm, dần dần cũng đủ năng lực theo kịp chương trình.

Khi triển khai chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, các trường đều gặp những khó khăn bước đầu. Nhưng khi mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo theo hướng phục vụ xuất khẩu lao động, các trường đã tìm được lối ra trong bối cảnh tuyển sinh trường nghề đang gặp rất nhiều khó khăn.

BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết