16/08/2009 - 08:08

Kết thúc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng:

Hoạt động chất vấn ngày càng có chiều sâu, đạt chất lượng, được dư luận đánh giá cao

Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, sáng 15-8, Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc. Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Về công tác lập pháp, Ủy ban đã cho ý kiến về 7 dự án Luật (cho ý kiến lần đầu 3 dự án và cho ý kiến tiếp về 4 dự án). Chủ tịch QH đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan cần sớm hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được cơ bản nhất trí để có thể đưa ra trình tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XII).

Về công tác giám sát, Chủ tịch yêu cầu nâng cấp toàn diện, thuyết phục, có chiều sâu hơn Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho Quốc hội (khóa XII) giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 6 và ra được Nghị quyết. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Ủy ban Pháp luật về những vấn đề liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa nguyên đơn là Công ty Tiên Sơn (Thanh Hóa) với bị đơn là Công ty TNHH Châu Tuấn (Hà Tĩnh). Các cơ quan: Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khác cần tham gia hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kết luận của Ủy ban Thuờng vụ Quốc hội.

Về hoạt động chất vấn, Chủ tịch QH cho rằng, đây là phiên chất vấn có chất lượng, được dư luận đánh giá cao, cần sớm tổng hợp, báo cáo để gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục theo dõi sát các vấn đề đã chất vấn. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về mục III Bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (ban hành kèm theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30-9-2004 về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát), tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau, cần nghiên cứu để tiếp tục thảo luận trong các phiên họp tiếp theo của Ủy ban. Chủ tịch QH cũng nhắc nhở việc chuẩn bị tốt cho các phiên họp thứ 23 (từ 9 đến 18-9) và thứ 24 (31/9- 3/10) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Một số có ý kiến cho rằng Luật Giáo dục mới được sửa đổi năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2006, thời gian kiểm nghiệm thực tiễn chưa nhiều. Thực tế cho thấy, một số hạn chế, bất cập của ngành thời gian qua không phải do Luật thiếu khả thi mà do thiếu văn bản hướng dẫn kịp thời để thi hành cùng với việc tổ chức thực hiện Luật chưa tốt; cần có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm định hướng cho những cải cách mạnh mẽ, cũng như những thay đổi về chính sách quốc gia đối với giáo dục.

Các thành viên Ủy ban cũng đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề: Phổ cập giáo dục (khoản 1 Điều 11), nhất là phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học (điểm d, khoản 1, điều 51 của dự thảo); thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ (Điều 38); thẩm quyền giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (Điều 42); về thành lập nhà trường và thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học (Điều 50, 51); công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (Điều 58); về đào tạo và cấp văn bằng trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ ở một số ngành chuyên môn đặc biệt (Điều 38, Điều 43); về giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học (Điều 35, Điều 41)... Các thành viên Ủy ban cũng đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tổng kết ba chuyên đề: Việc lập trường (nguyên tắc, điều kiện thành lập trường...); việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ (xác định thời gian hợp lý); làm rõ vấn đề giữa vay ưu đãi (quan hệ dân sự) và miễn học phí (chính sách ưu đãi đặc thù đối với ngành sư phạm)…và tiếp tục quan tâm đến một số vấn đề bức xúc khác như: chính sách giáo viên, chương trình học phổ thông, chất lượng thi cử, quy hoạch mạng lưới trường hiện nay... để thể chế hóa bằng các điều khoản trong Dự thảo; chuẩn bị cho việc thảo luận tại các phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi đưa ra thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (khóa XII).

PHÚC HẰNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết