02/03/2020 - 08:14

Hoang mang từ điển! 

Từ điển là sách công cụ, dùng để tra cứu, mang tính mẫu mực, điển hình. Hầu như trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội đều có từ điển chuyên ngành. Nói như thế để thấy từ điển quan trọng thế nào. Vậy nên khi nghe những vụ lùm xùm của các quyển từ điển dạo gần đây, nhiều người không khỏi hoang mang.

Cuốn sách này vừa bị NXB Đại học Quốc gia Hà Nội ra quyết định thu hồi và tiêu hủy. Ảnh: thanhnien.vn

Dính lùm xùm “đạo”, “mượn không hỏi chủ”, quyển “Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam” đã chính thức bị NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - đơn vị cấp giấy phép xuất bản - ra quyết định thu hồi và tổ chức tiêu hủy toàn bộ. Quyết định có nêu: Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Minh Long - đơn vị liên kết và phát hành cuốn sách - chịu trách nhiệm thu hồi, tổ chức tiêu hủy cuốn sách trên theo quy định của pháp luật dưới sự giám sát của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vụ việc vỡ lỡ khi tác giả Hoàng Tuấn Công chia sẻ trên mạng xã hội việc công trình “Từ điển Tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu” của ông bị “đạo”. Theo đó, cuốn “Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam” của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên đã sao chép gần như hoàn toàn rất nhiều lý giải, định nghĩa trong công trình của ông. Sau đó, một người tự nhận là một trong ba tác giả đồng đứng tên trong quyển từ điển đã liên hệ tác giả Hoàng Tuấn Công xin lỗi và đưa ra giải pháp xử lý. Tuy nhiên, hai người còn lại đến bây giờ vẫn chưa “xuất đầu lộ diện”.

Từ vụ việc này mới thấy sự coi rẻ việc làm từ điển của một số người hiện nay. Cách nghĩ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “mượn mỗi chỗ một chút” để làm từ điển thật tai hại. Tuy nhiên, vụ việc trên cũng có thấy lỗ hổng (hay cố tình ém nhẹm) của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội khi xuất bản một cuốn sách dày dặn như thế mà không biết rõ tác giả là ai, để mọi người phải ráo riết đi tìm. Dù rằng, đơn vị này đã sốt sắng ra quyết định thu hồi, tiêu hủy.

Một câu chuyện khác xảy ra cách đây vài ngày là một nhà nghiên cứu văn hóa ở TP Hồ Chí Minh phát hiện quyển “Từ điển phổ thông ngành nghề truyền thống Việt Nam” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000) có rất nhiều sai sót. Điển hình nhất là địa lý hành chính, như khi nói về làng nghề Gò Công đóng tủ thờ nhưng nói thuộc Long An (thay vì Tiền Giang); làng gốm Lái Thiêu lại thuộc về Biên Hòa (thay vì Bình Dương), làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, Bến Tre thì đổi thành Sông Đốc (có phải nhầm với một địa danh ở Cà Mau?); làng nghề mộc Thủ Dầu Một ở Bình Dương cũng bị nhóm tác giả “dời” về Long An… Điều đáng nói là Chủ biên và nhóm tác giả đều là những người có tên tuổi.

Kể mấy câu chuyện này rồi lại thấy lo, nếu lỡ đã từng tra cứu và trích dẫn từ các quyển sách này. Những trang sách lý ra phải rất mẫu mực, là một cẩm nang từ ngữ, “gối đầu” thì nay lại không còn mẫu mực. Đáng hoang mang hơn, nếu những cuốn từ điển này lưu truyền rộng rãi thì sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nhiều người, mà còn nhiều thế hệ.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết