23/12/2014 - 20:47

Hóa giải 5 hiểu lầm lớn nhất về quá trình trao đổi chất

Mặc dù thể trọng tăng hay giảm là do chênh lệch giữa lượng calorie nạp vào và được đốt cháy, nhưng trao đổi chất thường bị cho là nguyên nhân chính gây thừa cân (hoặc thiếu cân). Thông qua trang sức khỏe của hãng tin CNN, Tiến sĩ Yoni Freedhoff – một chuyên gia về trao đổi chất tại Đại học Ottawa (Canada) – đã làm sáng tỏ 5 hiểu lầm cơ bản về cơ chế chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể, như sau:

Người gầy có tốc độ trao đổi chất nhanh hơn

Nhiều người vẫn nghĩ rằng trao đổi chất diễn ra càng nhanh, lượng calorie đốt cháy càng nhiều sẽ giúp cơ thể thon gọn. Do đó, những người gầy ốm thường được cho là có hoạt động trao đổi chất nhanh hơn mức trung bình và sẽ không lo bị tăng cân.

 Ảnh: baptisthealth

Trên thực tế, quá trình chuyển hóa có liên quan tới thể trạng nhưng không như cách mọi người thường nghĩ. Theo Tiến sĩ Freedhoff, chính cơ bắp mới là tác nhân có ảnh hưởng lớn đến tổng lượng calorie bị đốt cháy trong ngày. Kết quả so sánh hai người có thể trọng tương đương cho thấy người có mật độ cơ nhiều hơn có tốc độ trao đổi chất nhanh hơn, điều này cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp chương trình giảm cân với kế hoạch rèn luyện cơ bắp. Ngoài ra, nghiên cứu còn phát hiện cơ bắp nhiều có thể giúp đẩy nhanh tốc độ giảm cân so với một kế hoạch chỉ chú trọng chế độ ăn uống.

Bỏ bữa hoặc chia nhỏ bữa ăn ảnh hưởng tốc độ trao đổi chất

Lời khuyên “chia nhỏ bữa ăn chính hoặc dùng các bữa ăn nhẹ nhiều lần trong ngày để đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa” trên thực tế không hữu ích như chúng ta nghĩ. Lý do là khoảng cách và số lượng bữa ăn không ảnh hưởng nhiều đến sự chuyển hóa, mà chất lượng và số lượng thực phẩm tiêu thụ mới là yếu tố quan trọng. Theo Tiến sĩ Freedhoff, ăn một bữa cơm chứa 2.000 calorie hoặc chia nó ra thành nhiều bữa thì kết quả chuyển hóa vẫn như nhau. Chính vì vậy, cách để chúng ta duy trì sự trao đổi chất hiệu quả là nên tập trung vào thực phẩm có chất lượng (tốt cho sức khỏe), nạp đủ lượng calorie theo khuyến cáo và ăn uống điều độ.

Nếu ăn trễ, thức ăn sẽ biến thành mỡ thừa

Tránh ăn đêm là một trong những khuyến cáo phổ biến dành cho người muốn giảm cân hoặc tránh tăng cân. Điều này khiến mọi người nghĩ rằng thức ăn tiêu thụ sau 8 giờ tối đều được chuyển hóa thành mỡ. Tuy nhiên, Tiến sĩ Freedhoff cho biết có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách thức cơ thể tích trữ năng lượng, bao gồm các loại hoóc-môn, lượng thực phẩm tiêu thụ, hàm lượng dinh dưỡng và tốc độ tiêu hao năng lượng của cơ thể. Do đó, ông đề nghị thay vì tập trung vào thời điểm ăn uống, chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến khẩu phần ăn trong ngày.

Trong thực tế, một bữa ăn đêm không khác mấy so với bữa ăn vào những thời điểm khác trong ngày nếu cả hai đều chứa thực phẩm lành mạnh. Nói cách khác, nếu dùng đúng khẩu phần (và lượng calorie tiêu thụ) thì bữa ăn tối không ảnh hưởng gì đến việc bạn ăn kiêng.

Trao đổi chất chủ yếu là đốt cháy calorie

Nhiều người lầm tưởng trao đổi chất là quá trình đốt cháy năng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, tiêu hủy calorie chỉ là một phần trong quá trình trao đổi chất, với hai phần chính là dị hóa (catabolism) và đồng hóa (anabolism). Trong đó, dị hóa là quá trình phá vỡ các liên kết hóa học để giải phóng năng lượng, còn đồng hóa là tích trữ năng lượng – bao gồm các chất bột đường và chất béo – để sử dụng về sau. Nói tóm lại, quá trình trao đổi chất gồm cả hai yếu tố là giải phóng và tích trữ năng lượng, việc cân bằng giữa hai chức năng này bảo đảm cơ thể có một cơ chế chuyển hóa hài hòa, rất tốt cho sức khỏe

Chúng ta không thể kiểm soát quá trình trao đổi chất

Khi bị thiếu cân hoặc thừa cân, chúng ta thường đổ lỗi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, nhưng thực ra, mỗi người chúng ta đều có thể kiểm soát quá trình này. Như đã nói ở trên, kết cấu cơ thể có tác động lớn đến tốc độ đốt cháy calorie và một trong những cách dễ dàng để tăng cường sự trao đổi chất là rèn luyện cơ bắp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể áp dụng những cách sau đây để tiêu hao calorie nhiều hơn:

+ Ngủ đủ giấc: Không chỉ cải thiện tâm trạng và tái tạo sức lao động, ngủ đủ giấc mỗi đêm còn tác động đến quá trình trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ giảm khả năng kiểm soát đường huyết và cảm thấy mau đói, nên dễ bị “hấp dẫn” bởi các thực phẩm nhiều chất bột đường. Do đó, ngủ đủ giấc giúp lành mạnh hóa quá trình trao đổi chất.

+ Uống nhiều nước: Các nhà nghiên cứu phát hiện uống nước có thể tác động tích cực đến lượng calorie đốt cháy trong ngày, bởi một quá trình gọi là sinh nhiệt sẽ thúc đẩy cơ thể tiêu hao năng lượng để làm ấm nước bằng với nhiệt độ cơ thể.

+ Hấp thu đủ đạm: Chế độ dinh dưỡng có chứa chất đạm ảnh hưởng rõ rệt đến sự trao đổi chất. Kiểm tra tác động của các thành phần dinh dưỡng đối với việc đốt cháy calorie, các nhà nghiên cứu phát hiện những người tiêu thụ đủ lượng đạm cần thiết có mức độ tiêu hao năng lượng cao hơn những người khác.

+ Tiêu thụ thức uống chứa caffein: Một tách cà phê không chỉ giúp bạn tỉnh táo mà còn tăng cường trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy những người dùng thức uống chứa caffein đốt cháy nhiều calorie hơn so với những người dùng các loại thức uống khác.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết