25/01/2024 - 09:02

Hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả trồng lúa, phát thải thấp 

Ðược tài trợ của Ðại sứ quán Australia tại Việt Nam, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Kiên Giang triển khai Dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với BÐKH và phát triển bền vững tại khu vực ÐBSCL (TRVC). Dự án này kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy sản xuất bền vững.

Lúa là cây trồng chính tại vùng ÐBSCL giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và có đóng góp tích cực cho an ninh lương thực thế giới. Trong ảnh: Sản xuất lúa ở TP Cần Thơ.

Dự án triển khai nhiều hoạt động từ nay đến 2027

Sau thời gian khởi động triển khai và hoàn thành giai đoạn chuẩn bị, Dự án TRVC chính thức triển khai vụ mùa đầu tiên từ vụ hè thu 2024 tại các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp và Kiên Giang, với nhiều hoạt động nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và khả năng thích ứng, chống chịu với BÐKH và các giá trị xã hội toàn diện, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Dự án không chỉ hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở ÐBSCL và giảm phát thải khí nhà kính mà còn cải thiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, hỗ trợ phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp và hỗ trợ hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp. Dự án cung cấp phần thưởng khuyến khích bằng tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân tham gia và đạt được các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, với lượng phát thải được kiểm định bởi các Cơ quan Kiểm định độc lập. Ðồng thời, cung cấp các hỗ trợ để cải thiện các phương pháp canh tác và chuỗi cung ứng trở nên bao trùm hơn cho nam giới, phụ nữ và người khuyết tật nhằm đảm bảo lợi ích được chia sẻ hài hòa trong cộng đồng.

Theo bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, Dự án TRVC đã nhận được các nguồn tài trợ lên đến 17 triệu đôla Australia (AUD) và được thực hiện tại 3 tỉnh sản xuất lúa trọng điểm của vùng ÐBSCL gồm An Giang, Ðồng Tháp và Kiên Giang, trong giai đoạn từ 2023-2027. Dự án được xây dựng trên việc tìm hiểu và đáp ứng các chính sách ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về bảo vệ tầng ozone, bảo vệ môi trường, cũng như phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững. Dự án này cũng đóng góp trực tiếp vào việc giảm khí khải nhà kính và góp phần thực hiện mục tiêu của Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 mà Chính phủ, Bộ NN&PNT, cùng các bộ, ngành, địa phương vùng ÐBSCL đang triển khai thực hiện.

Dự án TRVC dự kiến hỗ trợ chuyển đổi sang sản xuất lúa phát thải thấp cho trên 200.000ha tại ÐBSCL, với sự tham gia của khoảng 200.000 nông hộ nhỏ, 50-60 hợp tác xã và 10-20 doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, giúp đảm bảo ít nhất 30% lợi nhuận cho nông dân và giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc giảm 20-30% phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, giảm 20-40% lượng nước tiêu thụ và giảm ít nhất 15% chi phí
đầu vào...

Sản xuất bền vững gắn với thị trường

Dự án TRVC được kỳ vọng góp phần tạo nhiều động lực mới cho phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân gắn với phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy  tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp và nông dân trong  đổi mới, sáng tạo ngành lúa gạo để sản xuất bền vững. Ðây cũng là hướng đi phù hợp đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là khi  người tiêu dùng tại nhiều quốc gia không chỉ đặt ra các yêu cầu về sản phẩm gạo phải đạt chất lượng, ngon và an toàn mà sản xuất cũng phải thân thiện với môi trường và đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho những người tham gia lao động trực tiếp.

Dự án TRVC chú trọng việc thu hút các đơn vị doanh nghiệp tư nhân tham gia và có cơ chế trao tiền thưởng dựa trên kết quả đạt được, được đánh giá là công bằng, minh bạch và tạo động lực lớn để doanh nghiệp sử dụng nguồn tài nguyên, nhân lực, vật lực của mình triển khai các kỹ thuật canh tác lúa tiến bộ đến các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC, cho rằng: "Cơ chế trao thưởng dựa trên kết quả đạt được là phương thức mới giúp doanh nghiệp vừa có nguồn thưởng về tài chính, vừa có động lực để chủ động dẫn dắt khu vực sản xuất đi theo nhu cầu của thị trường". Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HÐQT, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, Dự án TRVC không chỉ hướng đến việc giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo mà còn giảm khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ðối với lúa gạo, ngoài việc đảm bảo chất lượng và an toàn, tới đây việc gắn thêm được logo giảm khí thải nhà kính vào thương hiệu gạo Việt Nam sẽ giúp nâng cao giá trị rất nhiều bởi nhu cầu thế giới đang cần. Trong tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, hiện nay xu thế của thế giới là người ta không chỉ hướng đến việc đảm bảo chất lượng, ăn ngon mà đặt ra các yêu cầu về trách nhiệm phục vụ cộng đồng, bảo vệ môi trường, góp phần làm cho trái đất xanh tươi. Dự án TRVC có cơ chế trao thưởng cho các doanh nghiệp bắt tay với các HTX và nông dân thực hiện giảm khí nhà kính đạt kết quả tốt, chắc chắn sẽ tạo động lực để doanh nghiệp tham gia thực hiện.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, Chính phủ Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, thể hiện thiện chí và quyết tâm đóng góp vào mục tiêu xanh của toàn cầu, thể hiện ở việc đã ký quyết định ban hành Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với Tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030, với mục tiêu tổ chức lại ngành hàng lúa gạo sản xuất ổn định và phát thải thấp bền vững môi trường và thân thiện. Bộ NN&PTNT khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác, nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về khoanh vùng dự án, xây dựng các tiêu chí tham gia, hình thành các quy trình canh tác... để đáp ứng các mục tiêu đề ra. Trong đó, việc triển khai các mô hình canh tác lúa giảm phát thải đang nhận được sự đóng góp, tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Dự án TRVC góp phần huy động và tạo động lực để thu hút các  đơn vị, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia liên kết sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn. Kết quả của dự án cũng đóng góp tích cực vào việc thực hiện Ðề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết