10/06/2023 - 10:46

Hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ 

Bài, ảnh: MỸ HOA

Xác định chuyển đổi số là một trong những hướng đi quan trọng, thúc đẩy các hợp tác xã (HTX) gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố triển khai nhiều chương trình kích hoạt chuyển đổi số, hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ vào mọi hoạt động, từng bước gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thích ứng với thị trường trong bối cảnh mới.

HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, huyện Vĩnh Thạnh trang bị hệ thống máy tính, kết hợp sử dụng phần mềm quản lý hàng hóa tại HTX.

Những tháng đầu năm 2023, Liên minh HTX TP Cần Thơ đã phối hợp với các ngành hữu quan thành phố hỗ trợ cho nhiều HTX tham dự các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số để nâng cao nhận thức, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động. Cùng với đó, Liên minh HTX thành phố còn làm tốt công tác tư vấn, giúp cho các HTX ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc kê khai và quyết toán thuế, ứng dụng chữ ký số, sử dụng hóa đơn điện tử… trong các hoạt động giao dịch; hỗ trợ cho hơn 60 HTX và nhiều đơn vị, đầu mối thu mua nông sản thông qua nhóm Zalo HTX Cần Thơ; hướng dẫn các HTX tham gia vào sàn giao dịch chonongsancantho.vn và các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… Qua đó, không chỉ giúp cho các HTX nâng cao hiệu quả quảng bá, mà còn kết nối thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra tiêu thụ cho nhiều loại nông sản, trái cây đặc trưng theo mùa vụ.

Nhận định về hoạt động chuyển đổi số ở nhiều HTX trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Ðức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Hiện Cần Thơ có 315 HTX và đa phần đã có trang bị máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh hay máy tính bảng… có kết nối mạng internet. Trong đó, có hơn 13% HTX đã ứng dụng công nghệ cao như áp dụng hệ thống tưới tự động, phun thuốc bằng máy bay không người lái hoặc sử dụng mã QR để truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm; sử dụng thiết bị di động thông minh để quảng bá và bán hàng qua website hoặc các kênh mạng xã hội Facebook, Zalo… Việc ứng dụng các nền tảng số đã giúp cho nhiều HTX làm tốt công tác điều hành quản lý, giúp tiết giảm chi phí vận hành, gia tăng năng suất lao động cũng như hiệu quả kinh tế.

Ðiển hình ở lĩnh vực nông nghiệp có HTX dịch vụ nông nghiệp Thần Nông, huyện Vĩnh Thạnh đã không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất như đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng để trang bị 3 chiếc máy bay không người lái, phục vụ nhu cầu phun thuốc bảo vệ thực vật cho cánh đồng canh tác lúa, với hơn 500ha; ứng dụng máy làm đất laser trong khâu gieo sạ và sử dụng máy gặt đập liên hợp trong khâu thu hoạch; đầu tư hệ thống là sấy, với công suất sấy trên 80 tấn lúa/ngày... Một trong những điểm nhấn trong ứng dụng số ở HTX Thần Nông là sử dụng hệ thống máy tính để bàn, kết hợp phần mềm quản lý, nhằm kiểm soát số lượng lúa giống hay lúa hàng hóa đang được bảo quản tại kho trữ lúa, có sức trên chứa 1.000 tấn. Anh Trương Văn Bá, Giám đốc HTX Thần Nông, chia sẻ: Việc ứng dụng số đã tạo điều kiện thuận lợi HTX trong công tác quản lý, nhất là giúp việc lưu trữ hồ sơ thuận tiện hay việc kê khai thuế được giảm bớt các loại thủ giấy tờ, thời gian cũng như chi phí đi lại. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số, nhất là việc sử dụng nhóm Zalo để làm việc, đã giúp cán bộ HTX tương tác với 10 thành viên và gần 100 nông dân đang làm ăn với HTX dễ dàng; đồng thời, tạo cơ hội cho HTX tham gia tìm kiếm khách hàng, kết nối tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch trực tuyến…

Ðể nâng cao giá trị thương hiệu nấm đông trùng hạ thảo trên thị trường, HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa (HTX Giọt Phù Sa), huyện Phong Ðiền không chỉ tăng cường ứng dụng công nghệ chế biến sâu, tạo ra nhiều loại trà và sợi nấm đông trùng hạ thảo sấy khô đạt chất lượng dinh dưỡng cao, mà còn kết hợp ứng dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc. Anh Phạm Ngọc Ðá, Giám HTX Giọt Phù Sa, chia sẻ: Thời gian qua, thương hiệu nấm đông trùng hạ thảo của HTX Giọt Phù Sa được phân phối tại nhiều địa lý chuyên doanh thực phẩm dinh dưỡng ở một số tỉnh, thành ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh cũng như trên sàn thương mại điện tử như Shopee và được người tiêu dùng đánh giá tốt về chất lượng lẫn hình thức. Song, để tạo uy tín cũng như sự an tâm cho người dùng và các hệ thống đại lý, HTX đã sử dụng mã QR code để dán trên bao bì sản phẩm. nhằm minh bạch thông tin cũng như khẳng định chất lượng của sản phẩm được phân phối trên thị trường. Theo anh Ðá, việc in và dán mã QR trên sản phẩm đã giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, biết rõ được quy trình làm ra nấm đông trùng hạ thảo, từ khâu trồng, chăm sóc, tới khâu đóng gói sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ, qua đó giúp HTX khẳng định được thương hiệu và gia tăng niềm tin đối với khách hàng.

Đại diện HTX Giọt Phù Sa, huyện Phong Ðiền giới thiệu các sản phẩm được dán mã QR đến khách hàng.

Theo ông Nguyễn Ðức Phương, việc đầu tư ứng dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều HTX. Song, để kích hoạt chuyển đổi số ở các ngành, lĩnh vực của khu vực kinh tế tập thể, ngành chức năng các cấp cần quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt và thành viên của HTX; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình HTX chuyển đổi số thành công. Từ đó, giúp các HTX thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ, thích ứng với xu thế của thị trường. Cùng với đó, cần tăng cường huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án và đề án có liên quan của Trung ương và thành phố. Trong đó, chú trọng nguồn lực từ ngân sách, hỗ trợ cho HTX đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, trang bị máy móc hiện đại, từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực, nhất là cán bộ có trình độ công nghệ thông tin cao về làm việc trong các HTX, nhất là các HTX có quy mô diện tích sản xuất lớn và thành viên đông… Qua đó, góp phần hình thành các mô hình HTX sản xuất gắn với tiêu thụ qua nền tảng số.

Chia sẻ bài viết