Cùng với công tác xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ mới cùng các trang thiết bị có khả năng tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất… Qua đó, không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm, mà còn đáp ứng yêu cầu thị trường, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại, có khả năng tiết kiệm điện cao trong quy trình sản xuất.
TP Cần Thơ hiện có 6 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2, khu công nghiệp Hưng Phú 1 và Hưng Phú 2, khu công nghiệp Thốt Nốt và khu công nghiệp Vĩnh Thạnh; có 256 dự án, với 176 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động ở các lĩnh vực, ngành nghề, với hơn 42.630 người lao động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chiếm tỷ trọng sử dụng điện năng cao trong tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn thành phố. Ông Võ Quốc Hùng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ, cho biết: Ðể các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp cận và ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ đã và đang phối hợp với các tổ chức và đơn vị có liên quan tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề phổ biến các chính sách pháp luật hiện hành về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), quản lý hệ thống năng lượng, giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính; chia sẻ nhu cầu phụ tải tiêu thụ điện đang tăng cao cũng như những thách thức và khó khăn mà các doanh nghiệp TP Cần Thơ phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi năng lượng; giới thiệu các giải pháp ứng dụng công nghệ thúc đẩy SDNLTK&HQ trong doanh nghiệp... Qua đó, giúp các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nâng cao năng lực quản lý năng lượng, cập nhật được các quy định mới, thực thi pháp luật về SDNLTK&HQ tại đơn vị.
Cùng với việc tuân thủ pháp luật về SDNLTK&HQ, việc áp dụng các giải pháp công nghệ, kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo được xem là giải pháp hữu hiệu, giúp mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt. Là một trong những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm ở các khu công nghiệp, chi trả hơn 2 tỉ đồng tiền điện/tháng, nên việc ứng dụng các giải pháp SDNLTK&HQ rất được Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (Khu công nghiệp Trà Nóc 2), quận Ô Môn chú trọng. Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam, cho biết: Toàn bộ hệ thống chiếu sáng tại tòa nhà văn phòng, nhà máy, nhà xưởng hay bãi đậu xe của Công ty đều được lắp đặt đèn led tiết kiệm điện; nhiều thiết bị, máy móc công suất lớn tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy đều được lắp biến tần. Ngoài ra, Công ty còn lắp đặt hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời, phục vụ nhu cầu chế biến cá tra xuất khẩu; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO... Nhờ áp dụng cùng lúc nhiều giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nên Công ty đã tiết kiệm 15% tổng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chí bảo vệ môi trường, gia tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng thủy sản xuất khẩu trên thị trường.
Theo ông Chử Ðức Hoàng, Quỹ Ðổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh thị trường. Song, hiện số lượng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có hệ thống quản lý năng lượng bài bản chỉ chiếm từ 20-25% và mức tiết kiệm năng lượng chỉ đạt từ 20-30%… Nguyên nhân và rào cản trong việc triển khai tiết kiệm năng lượng ở các khu công nghiệp là do nhiều doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực quản lý sử dụng năng lượng; thiếu chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho tiết kiệm năng lượng; thiếu các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về quản lý năng lượng cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nên không thể tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng… Theo ông Hoàng, để các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có thể tiếp cận, áp dụng các biện pháp SDNLTK&HQ, các ngành, các cấp cần triển khai các chính sách, cơ chế tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp ở các lĩnh vực triển khai được các dự án, xây dựng chiến lược về tiết kiệm năng lượng lâu dài; đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng năng lượng tập trung tại các khu công nghiệp; xây dựng các hệ thống và quy trình nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng; thực hành tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất… để tiết giảm tối thiểu chi phí sử dụng năng lượng, giảm phát thải nhà kính.
Ðể đạt mục tiêu đến năm 2025, có từ 70% khu công nghiệp và 50% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng theo Chương trình quốc gia về SDNLTK&HQ, Ban Quản lý các KCX&CN Cần Thơ tập trung triển khai Kế hoạch 66/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về việc thực hiện Chương trình quốc gia SDNLTK&HQ, giai đoạn 2019-2030 trên địa bàn thành phố. Tập trung hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương để thực hiện các giải pháp về quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; vận động doanh nghiệp trong các khu công nghiệp áp dụng đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả kiểm soát tiêu thụ năng lượng ở các khâu sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh thị trường; đồng thời, góp phần giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Bài, ảnh: MỸ HOA