29/09/2022 - 07:29

Hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp 

Sản xuất nông nghiệp nước ta đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, cạnh tranh trong tiêu thụ sản phẩm khi hội nhập quốc tế sâu rộng; người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nông sản. Để đáp ứng tốt các yêu cầu này, đòi hỏi người nông dân phải nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành “người làm nông chuyên nghiệp”.

Yêu cầu cấp thiết

Nông dân tham dự tại một hội thảo đầu bờ được tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ.

Nông dân tham dự tại một hội thảo đầu bờ được tổ chức trên địa bàn TP Cần Thơ.

Việc thúc đẩy hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay. Bởi tỷ lệ nông dân được thông qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng chục triệu nông dân hiện nay. Nhiều nông dân còn sản xuất theo thói quen, kinh nghiệm và theo cách thức sản xuất truyền thống nên hiệu quả sản xuất chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Nền nông nghiệp nước ta đang đứng trước những biến đổi rất lớn. Đó là biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, dịch bệnh khó khó lường. Biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng... Trước sự biến đổi này, chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để thích ứng tình hình mới và đạt hiệu quả sản xuất cao. Quá trình này không thể giải quyết bằng kinh nghiệm mà nông dân cần được đào tạo, được huấn luyện.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, để làm nông là một nghề, nông dân cũng cần được đào tạo để có tri thức và từ đó mới chuyển thành chuyên nghiệp, chỉn chu từ tổ chức làm ăn tới chế biến, bảo quản và biết kinh doanh nông sản mình tạo ra. Cùng một loại nông sản, nếu chuyên nghiệp thì nông dân biết cách bán giá cao hơn, thu lợi nhuận cao hơn, nghĩa là thu nhập không chỉ dựa vào sản lượng mà bằng nhiều kỹ năng kinh doanh, kiến thức thị trường, bằng sự hợp tác giữa những người nông dân… Không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp mà không có nông dân chuyên nghiệp thì không có nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thế giới người ta đã tiến tới mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa ngày càng cao, nếu chúng ta không làm thì sản phẩm không thể cạnh tranh lại họ. Trong các giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định cần nâng cao năng lực của người nông dân. Năng lực này bao gồm cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với công việc nghề nông, với yêu cầu cần nghiêm túc hơn, chỉn chu hơn, giàu tri thức hơn.

Đào tạo, tập huấn cho nông dân

Để có giải pháp hiệu quả thúc đẩy hình thành đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp, Bộ NN&PTNT vừa phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp”. Tại hội thảo này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cho rằng, để trở nên chuyên nghiệp, nông dân không chỉ cần có kiến thức nền tảng về sản xuất, về áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới... mà cần có kiến thức về kinh tế, kinh doanh, về liên kết hợp tác và kỹ năng kinh doanh nông sản thông qua sự hiểu biết về thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ nông dân có môi trường, không gian thuận lợi để hấp thụ tri thức vì không có tri thức sẽ không chuyên nghiệp. Cần kịp thời tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn cho nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đào tạo chính quy cho các đối tượng có nhu cầu, cần lồng ghép, tích hợp vào các hoạt động đào tạo nghề nông thôn, các hội thảo đầu bờ, chương trình tập huấn kỹ thuật, các buổi sinh hoạt chuyên đề trong các không gian học tập cộng đồng... để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hóa đội ngũ người làm nông. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Trưởng Khoa Phát triển Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cần có chính sách ưu tiên cung cấp học bổng cho đào tạo các ngành Nông nghiệp then chốt tại các cơ sở đào tạo trọng điểm và khu vực. Hướng nghiệp giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thu hút giới trẻ yêu thích nghề nông. Đồng thời, cần có chiến lược và định hướng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 thuộc Bộ NN&PTNT, cho rằng: “Muốn có nông dân chuyên nghiệp cần tri thức hóa cho nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội… Các cấp ủy, chính quyền cần có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp tri thức hóa nông dân, giúp nông dân chuyên nghiệp. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, người dân có nhu cầu sử dụng các thiết bị công nghệ đầu cuối hiện đại, nhưng hạ tầng Internet, tốc độ Wifi còn chậm, cần chú ý cải thiện. Mặt khác, tăng cường công tác truyền thông các mô hình thành công…”. Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, để có đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp, cần phải xây dựng một hệ sinh thái để hỗ trợ người nông dân, trong đó có cấp quản lý, viện trường, lực lượng cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp thực hiện đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi phải hình thành cho được đội ngũ làm nông chuyên nghiệp, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân chuyên nghiệp. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết