Bài, ảnh: Q.M
Trong khuôn khổ tuần lễ khai mạc Đường Sách Cao Lãnh vừa diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh giới thiệu tác phẩm "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" của tác giả Trần Minh Thương. Tác phẩm ghi lại nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, đậm đà tình làng nghĩa xóm, lời ăn tiếng nói mộc mạc, thiệt lòng thiệt dạ của người dân nơi đây. Đồng thời, tác giả cũng có những trao đổi thú vị tại buổi giao lưu giới thiệu sách, giúp độc giả thêm hiểu về miệt Hậu giang:
- Sách dùng chữ "Hậu giang", không viết hoa chữ "giang", vì tôi muốn hướng đến không gian văn hóa hai bên bờ sông Hậu. Vùng đất ấy thuộc địa giới hành chính một phần của TP Cần Thơ, các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng… Chữ "giang" ở đây để chỉ sông và hướng đến một không gian văn hóa vùng hơn là một địa danh hành chính.
Tác giả Trần Minh Thương (bìa phải) tại buổi giới thiệu sách "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang".
* Năm 2020 anh có "Phong tục miệt Nam sông Hậu" do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Xin anh nói thêm vì sao thường dùng khái niệm "miệt" và cho biết thêm những công trình về vùng đất con người ở đây?
- Theo "Đại Nam quấc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) thì "miệt" có nghĩa là xứ miền, một dãy đất. Nhà văn, học giả Sơn Nam cũng đã viết về ĐBSCL như sau: Người ở ĐBSCL đã phân tích khá tỉ mỉ những nét đặc biệt của từng vùng nhỏ trong đồng bằng. Họ gọi một cách phân biệt. Miệt trên: vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa có thể tính luôn vùng Tân An. Miệt Cao Lãnh: vùng chợ Cao Lãnh ngày nay, trước kia là quận lỵ của Sa Đéc. Miệt Đồng Tháp Mười. Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau. Miệt vườn: gọi tổng quát những vùng cao ráo, có vườn cam vườn quýt ở ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Tiếp theo ý của các học giả đi trước, kết hợp với lời ăn tiếng nói dân gian được nghe trong các chuyến đi điền dã, tôi dùng miệt Hậu giang hay miệt Nam sông Hậu để chỉ dãy đất quanh vùng châu thổ sông Hậu. Ở đây, tôi định danh dưới góc độ không gian văn hóa. Và cũng xin nói thêm, theo tầm bao quát tài liệu (có lẽ chưa đầy đủ) của tôi, kết hợp thêm ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, cuốn "Phong tục miệt Nam sông Hậu" và nay là cuốn "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" là những sách có chữ "miệt" được xuất hiện chính thức trong nhan đề những cuốn sách.
* Anh có thể chia sẻ thêm về những chuyện trong nhà ngoài xóm mà anh thấy là đặc sắc, là riêng biệt mà không nơi nào khác có được tại miệt Hậu giang?
- Đây là câu hỏi mà tôi khó có câu trả lời toàn vẹn. Bởi vì khó trả lời thẳng vào nội dung câu hỏi, mà nói vòng vo thì cũng khó lòng thấu đáo được. Thôi thì, biết tới đâu tôi xin được chia sẻ tới đó.
Đầu tiên là việc chỉ ra nét riêng biệt của những nét ứng xử ở miệt Hậu giang có gì đặc sắc, riêng biệt với những nơi khác, khiến tôi chưa thể trả lời thấu đáo bởi tôi chưa có dịp tìm hiểu tường tận những nét văn hóa này ở các vùng miền khác, nên khó đối sánh được. Cái khó thứ hai tôi cho rằng xuất phát từ nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa dân gian. Đặc trưng đó là tính giao thoa ở biên độ rộng. Giao thoa vùng miền, giao thoa giữa các dân tộc và giao thoa trong cách thức biểu hiện. Nguyên nhân là do tính cách cởi mở dễ dung nạp, dễ hòa nhập của cư dân miền đất mới tạo nên. Chính sự giao thoa này đã làm cho những biểu hiện đặc trưng, riêng biệt, nhất là trong ứng xử bị xóa nhòa ranh giới.
Dù sao, tôi cũng cảm thấy việc xưng, kêu nhau trong gia đình ở miệt Hậu giang; hay chuyện nói xin mà đòi, mà mua; nói mượn mà vay; nói nhắn mà chửi khéo... rất độc đáo và thú vị.
* Trong quá trình thu thập tư liệu để viết sách, anh có gặp một kỷ niệm hay một câu chuyện nào nhớ mãi không?
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là trong lần đi điền dã vào một xóm ở thôn quê. Trời trưa, nắng gắt, đi hoài khát nước mà nước uống đem theo đã hết, tôi ghé nhà ven đường xin nước uống. Chủ nhà không chỉ vui vẻ chỉ kiệu nước và kêu ra đó múc uống mà còn hào phóng rủ ở lại lai rai. Sau đó do mệt tôi xin phép ra võng nằm, đến khi tỉnh dậy thì trời đã xế bóng. Chủ nhà còn hỏi: Có đói không dọn cơm cho ăn... Câu chuyện này khơi nguồn và tiếp thêm nhiều tư liệu trong những bài viết của tôi.
* Nếu được bổ sung thêm ở những lần sau, anh còn thấy cần phải chia sẻ với độc giả những nội dung nào khác?
- Quan niệm của tôi là không có một tác phẩm nào tuyệt đối hoàn hảo mà chỉ có tác phẩm tốt nhất tính tới thời điểm đó. Dần theo thời gian, trải qua thêm quá trình tích lũy vốn sống, ngay bản thân tác giả và độc giả sẽ nhận ra trong những điều đã được sách nói đến cần phải cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa. Thậm chí là bớt chỗ này, thêm chỗ kia… Cuốn "Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" cũng vậy, tính đến thời điểm này được coi là tốt nhất trong khả năng tôi có thể làm được cùng với sự hỗ trợ của NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nếu được bổ sung lần sau, có thể chúng tôi sẽ có thêm những biểu hiện khác nữa trong ứng xử của bà con như chuyện thăm hỏi, chuyện ăn chơi, chuyện giận hờn, ghen tuông… Nói chung là sẽ còn nhiều nhưng tới giờ thì tôi chưa nghĩ ra được hết. Thôi, xin hẹn lại trong một tương lai không xa vậy!
Tác giả Trần Minh Thương, bút danh Thạch Ba Xuyên, là Tổ trưởng Tổ Văn - Tiếng Anh, trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng), Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2009). Những tác phẩm đã xuất bản: "Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian" (2015); "Trò chơi dân gian Sóc Trăng" (2016); "Hương sắc miền Tây" (2018); "Ăn Tết chơi Tết miền Tây" (2020); "Phong tục miệt Nam sông Hậu" (2020).
"Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang" gồm nhiều câu chuyện kể cụ thể được thể hiện bằng văn phong gần gũi, nói về chuyện nhắn, gởi; hùn hạp làm ăn; rủ mời nhau... từ đó khắc họa người miệt Hậu giang vốn tính cách cởi mở, trọng tình xã giao, tương thân tương ái, cùng chia sớt ngọt bùi lẫn cay đắng trong cuộc sống. Miệt Hậu giang còn sở hữu chợ nổi hay những tiếng rao hàng ngọt ngào miền sông nước. Mỗi câu chuyện trong sách được tác giả ghi lại từ cuộc sống, từ các bậc cao niên kể lại những gì mà cha ông đã đem ra đối đãi nhau trong tình thân tộc, nghĩa xóm làng. Chuyện trong nhà ngoài xóm ở đây có những nét tương đồng với miền quê khác, nhất là vùng Tây Nam Bộ, với câu nói quen thuộc "bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau" ấm lòng.