12/01/2025 - 08:53

Người về trên con dốc 

Đó là cuộc gọi của Hiền, sau dễ chừng hơn chục năm. Trong danh bạ điện thoại của tôi, có nhiều số điện thoại của bạn bè đã từ lâu rồi chỉ hiện hữu ở đó mà hầu như không liên lạc. Và số điện thoại của Hiền cũng là một trong những số như thế.

Thật ra Hiền và tôi cũng đã lạc nhau như biết bao người, bởi chúng tôi quen biết nhau từ cái thuở chưa có Facebook và lúc đó người ta còn viết thư tay cho nhau. Rồi cuộc sống dạt xô đưa mỗi người đến một bến bờ khác, đi trên những con đường khác. Ngẫu nhiên lần đó, đã lâu lắm rồi, có cuộc hội thảo về cây trồng tại thành phố tôi đang sống, Hiền là một trong những chủ trang trại thành công ở Đà Lạt, đến tham dự. Hiền nhận ra tôi và cũng nhờ cuộc gặp đó mà chúng tôi có số điện thoại của nhau, rồi để vậy. Bởi giữa mênh mông của cuộc đời này, thời gian cứ làm cho nhòa khuất biết bao ký ức, khiến con người ta mau chóng lãng quên.

Có thể thời gian làm cho con người thay đổi, nhưng Hiền vẫn vậy, vẫn tiếng cười rất nhẹ nhàng và cách nói thẳng vào câu chuyện. Hiền hỏi tôi: "Anh có còn nhớ Nhã không?".

Nhã là một phần của Đà Lạt. Dẫu đã rời xa Đà Lạt nhiều năm, nhưng tôi chẳng bao giờ lãng quên Đà Lạt. Mỗi năm, như một lời hẹn, tôi đến Đà Lạt trong những ngày mưa hay cả những mùa hoa. Chỉ là tìm đến, bởi ở đó đã giữ tuổi trẻ của tôi, với những tiếng cười và những nỗi buồn.

Hiền là một phần ký ức hiếm hoi của tôi về những ngày ở Đà Lạt, là cô gái nhỏ xíu xiu ở ngôi nhà sát bên cạnh nhà tôi trọ học. Những ngôi nhà ở Đà Lạt vào thời ấy thường làm bằng gỗ thông, có cửa kính để ngăn những cơn gió lạnh. Vào buổi sáng, khi không đi học, tôi thường ra trước sân nhà đứng trong nắng như nhiều người vẫn thường làm vậy. Hiền cũng thường ra sân phơi nắng. Chúng tôi đôi khi nói với nhau những câu chuyện không đầu không đuôi, rồi lại cùng nhau đi học. Khi đó, Hiền học ở trường Bùi Thị Xuân, ngôi trường nổi danh nằm trên con dốc cao, còn tôi thì học Trường Đại học Đà Lạt.

Và phần lớn ký ức của tôi trong những ngày đó là Nhã. Ký ức bắt đầu ngẫu nhiên trên con dốc, hôm đó trời Đà Lạt mưa nhẹ, chỉ đủ những hạt lóng lánh bám làm duyên trên mái tóc của những cô gái. Hôm đó tôi đi học về dưới mưa, gặp Nhã đi ngang qua nơi con dốc, trong chiếc áo măng-tô màu xám nhạt, mái tóc dài ngang lưng và che chiếc dù màu tím. Đó là hình ảnh vô cùng đẹp. Theo quán tính, dưới mưa, tôi đi theo Nhã, như câu chuyện kinh điển của những chàng trai si tình. Cuối cùng thì Nhã rẽ vào một ngôi nhà phía trước có một khóm hồng leo đang nở hoa. Khóm hồng phai và cánh cửa gỗ màu sậm khắc sâu vào ký ức tôi.

Cuộc sống vốn dĩ tạo ra những ngẫu nhiên cho hai người cùng đi về một phía, rồi một ngày nào đó lạc mất nhau trong cuộc sống quá đỗi mênh mông này. Hôm đó theo quán tính tôi đi theo Nhã vậy thôi, cứ tưởng rồi sẽ chẳng gặp nhau, nhưng đến một tuần sau, tôi lại gặp Nhã trong một tình huống khác.

Đó là thư viện nằm trên con đường có thể nói là dài nhất Đà Lạt. Tôi ghé đến gặp gỡ một nhóm học trò để giúp cho họ làm tờ báo cuối năm, vì tôi có năng khiếu làm thơ hoặc viết những bài văn nhỏ. Chuyện này Hiền biết và Hiền đã giới thiệu tôi với nhóm bạn của mình. Cuộc gặp đó có Nhã. Khi bước chân vào thư viện và trông thấy Nhã, với tôi mọi điều như đã được định mệnh sắp đặt. Vẫn là chiếc măng-tô xám nhạt, mái tóc dài và lần này có thêm nụ cười của Nhã.

Đà Lạt có nhiều con dốc, con dốc này chùng khói sương níu con dốc bên kia. Đà Lạt cũng có những ngày mưa như thể có đôi tình nhân nào đó vì chia xa mà khóc. Nhưng với tôi, những ngày mưa là những ngày đẹp nhất, khi tôi và Nhã cùng che chung một chiếc dù xuống phố. Những con phố ở Đà Lạt đã lưu lại dấu chân của hai đứa chúng tôi. Lúc đầu, khi đến thành phố sương mù này, với tôi chỉ là những ngày hững hờ và buốt lạnh. Nay thì trong mờ sương, tôi và Nhã xuống phố, ghé quán cà phê Demi, hoặc cà phê Tùng, quán nép mình ở con phố nhỏ, trở thành chốn quen của bao người.

Từ đó, Hiền thành cầu nối giữa tôi và Nhã. Nhã sang nhà Hiền chơi và vì nhà sát vách nên chỉ vài bước chân thì tôi qua nhà Hiền. Khu nhà với những mảng gỗ thông ép làm vách để giữ ấm khi mùa lạnh lưu giữ ký ức ấm áp một khoảng thời gian quấn quýt.

***

Hiền bây giờ thành đạt, đã bán căn nhà cũ và hiện có ngôi nhà mặt tiền đang kinh doanh các mặt hàng nông sản từ trang trại của mình. Bây giờ bạn bè mỗi ngày mỗi đi xa, mỗi bận bịu, việc gặp nhau không dễ dàng nữa, Hiền nói thế. Hiền nhắc về Nhã, như nhắc về những hàng thông vươn cao ở những lũng sâu. Nhã và Hiền thân nhau, còn tôi yêu Nhã, nhưng cuộc sống quá mênh mông này đã đẩy mỗi người đi về mỗi hướng khác nhau. Nhã đã trở thành một phần ký ức của tôi.

Hiền nói khoảng 15 ngày nữa trường có họp mặt, nghe nói Nhã cũng về. Hiền nhắc đến Nhã, lòng tôi chộn rộn. Hiền hỏi tôi có còn nhớ Nhã không? Bởi cuộc sống với khoảng cách biển dâu bao nhiêu năm rồi, có khi chúng ta quên lãng biết bao điều trong cuộc sống. Nhưng trong ký ức của tôi, dáng Nhã đi xuống con dốc với chiếc măng-tô màu xám vẫn còn ở lại, dẫu Đà Lạt từ đó đến nay đã có biết bao mùa hoa anh đào nở, biết bao nhiêu mùa hồng và có biết bao mùa hoa dã quỳ.

Tôi lạc mất Nhã vào một ngày khi tôi quay trở lại Đà Lạt. Lúc đó đã hai năm sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Tôi nhớ căn nhà có cây hoa hồng leo, cánh cửa gỗ màu sậm. Tôi nhớ tiếng cười của Nhã khi tôi đến nhà, căn nhà đẹp vì có Nhã. Nhưng khi tôi tới thì nhà đã đổi chủ. Nhã đã theo gia đình đi nước ngoài. Còn tôi chông chênh mưa gió ở Đà Lạt một chiều đông.

Trong mênh mông của cuộc đời, tôi có thông tin Nhã đã đến Úc và vì ơn cưu mang đã lấy người đàn ông đi cùng làm chồng. Nhưng bao nhiêu năm hai người vẫn không có con, cho nên họ đã chia tay. Chỉ là những thông tin chắp vá và tôi cũng không dám tìm hiểu sâu. Bởi nếu quả thật Nhã có về nước, thì việc tìm ra tôi không khó, Nhã chỉ cần gặp Hiền chẳng hạn. Nhưng có thể tôi đã không còn dự phần trong ký ức của Nhã.

Nhưng vào ngày mà Hiền kể với tôi rằng có cuộc họp mặt ở trường và nói rằng tôi có thể tham dự với vị trí khách mời, tôi vẫn lên Đà Lạt, như một quán tính và cũng có thể muốn gặp lại người năm cũ. Bây giờ, có thể cuộc sống đã thong thả và có thể thời gian đã làm cho lòng người chùng lại, cho nên tìm gặp nhau đã trở thành một nhu cầu. Tôi lên Đà Lạt trong ngày gặp gỡ của các cô gái ngày xưa. Càng đến gần Đà Lạt, tôi càng khẳng định tôi muốn gặp một người.

Ký ức của tôi vẫn lưu giữ ngôi trường Bùi Thị Xuân nằm trên con dốc cao, phía trước có một công viên hoa nho nhỏ. Đà Lạt lạnh, nên các cô học trò mặc áo dài trắng và có chiếc áo khoác giữ ấm, cũng để làm duyên. Có khi tôi đón Nhã tan trường, hai đứa cùng đạp xe đi tận Cam Ly hoặc ra hồ Than Thở. Đó là Đà Lạt đất trời vàng rực rỡ trong mùa hoa dã quỳ, con đường đi ra ngoại ô có cả rừng hoa. Đà Lạt lại có nhiều con dốc, nên cứ lên dốc là phải dắt xe và chúng tôi cứ thẩn thơ giữa rừng hoa như thế.

Mùa này ở Đà Lạt hoa dã quỳ đã tàn, khắp phố lại chuyển sang mùa hoa mai anh đào. Trên phố, những cây mai anh đào bung nở màu hoa hồng phai thật đẹp, nhưng tôi lại nghĩ về cuộc hạnh ngộ. Tôi không biết mình có nhận ra Nhã trong ngần ấy thời gian xa cách không?

Hiền đến bên cạnh tôi, trên sân khấu đang diễn ra những nghi lễ. Còn dưới sân khấu có biết bao người đang tìm nhau. Hiền nói: "Nghe nói Nhã đã về rồi, nhưng không thấy tới".

Buổi lễ sắp kết thúc. Những người bạn năm xưa từng học chung một mái trường cùng chụp chung với nhau nhhững tấm ảnh kỷ niệm. Thời gian đã làm nhiều người phai tóc bạc, nhưng dường như thời gian đã ở lại phía sau. Tôi bước ra khỏi hội trường, đi chậm rất chậm vòng qua con dốc lên khu Hòa Bình. Con dốc này ngày cũ đó, tôi và Nhã đã từng đi qua, đi rất chậm. Khi tôi chuẩn bị bước lên con dốc thì nghe một tiếng gọi rất khẽ, tiếng gọi như gió thoảng. Tôi xoay người lại, Nhã ở trước mặt tôi. Thoáng chốc, ký ức và hiện tại hòa làm một trong tôi...

Truyện ngắn:  Khuê Việt Trường

Chia sẻ bài viết