12/01/2025 - 08:53

Ðôi nét về nghi lễ cúng đình ở Nam Bộ 

Các ngôi đình ở Nam Bộ về cơ bản không khác với đình ở miền Bắc, miền Trung, nhưng về thiết kế, kiến trúc và đặc biệt là lễ tế, cúng kính thì có phần khác biệt do hoàn cảnh sinh sống đã tạo nên nét tính cách cởi mở, phóng khoáng của cư dân nơi đây.

Cúng Thần Nông trong Lễ Kỳ yên Ðình Tân An (quận Ninh Kiều). Ảnh: DUY KHÔI

Về kiến trúc, đình ở Nam Bộ phổ biến không thiết kế vách ngăn nên sáng, thoáng và cởi mở; nhưng vẫn đảm bảo sự hài hòa của tổng thể. Đình có Sắc Thần do vua ban và ngày đón nhận Sắc Thần được hiểu là ngày vị thần ấy chính thức nhận nhiệm vụ tại địa phương. Bên cạnh đó, trong đình có thờ thêm nhiều bàn phụ, như bàn Hội đồng (nhiều vị), Tả ban, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền, Tiên sư, các Anh hùng liệt sĩ...

Mỗi năm, các đình có hai lần cúng chính là Xuân tế (Lễ Kỳ yên, tổ chức rất trọng thể) và Thu tế (Lễ Chạp miễu), tức "Xuân thu nhị kỳ". Xuân tế diễn ra vào đầu mùa mưa, nên còn gọi là Hạ điền (xuống đồng gieo trồng), Thu tế diễn ra vào cuối mùa mưa, còn gọi Thượng điền (đã thu hoạch mùa vụ). Ngoài những lần tế chính vừa nói, cứ ba năm người ta lại tổ chức "cúng đáo lệ" một lần rất trọng thể, gọi "Kỳ yên tam niên đáo lệ".

Ngày xưa, khi dân cư còn thưa thớt, ở các làng lân cận, lễ cúng đình của các làng thường không trùng ngày nhau, để dân làng và những gánh hát bội có điều kiện tham dự được nhiều nơi cho tăng phần đông vui.

Về nghi lễ cúng đình, đa số giống nhau. Hôm cúng đình các cụ Ban quý tế của đình hàng ngũ chỉnh tề, có đội dàn chào, thần kỳ (đại kỳ) được treo trang trọng. Đó là lá cờ đỏ rất to, có thêu 4 chữ "Quốc thới dân an" hay "Thiên hạ thái bình". Xong lễ sơ nghinh, các cụ là những người có nhiệm vụ cùng đi Nghinh sắc (hoặc rước sắc, nếu sắc ấy được đặt thờ ở nhà riêng của một vị trong Ban quý tế). Dẫn đầu là xe múa lân (hoặc long mã) có thêu vẽ 4 chữ "Phong điều vũ thuận"; kế đến là ban nhạc lễ với một số nhạc cụ truyền thống đã định hình là trống, mõ và phèng la, thong thả gióng lên từng hồi nhịp ba (ba dùi/hồi). Kế đến là long xa (với tráp đựng sắc thần/bài vị), theo sau là đoàn người đi bộ, có 2 học trò lễ cầm 2 bảng đưa lên cao có mấy chữ "Tĩnh túc" hay "Túc tịnh" (yên lặng, cung kính) và "Hồi tỵ" (tránh xa) nên mọi người chấp hành rất nghiêm khi đoàn Nghinh sắc đi ngang qua.

Nghi thức khai sắc và thay khăn sắc Thần tại Lễ Kỳ yên Ðình Bình Thủy (quận Bình Thủy). Ảnh: DUY KHÔI

Sau khi đã hoàn mãn lễ Nghinh sắc, đoàn trở về đình. Khi đã an vị sắc trên bàn thờ Thần, các cụ Ban quý tế bắt đầu các lễ nghi một cách trang trọng. Khởi cúng, là lễ Túc yết. Sau hồi trống "thông thiên triệt địa" cũng là trống hiệu mời các "viên chức tân cựu tựu vị" và khi các cụ đã "tĩnh túc thị lập" tức đã thực sự ổn định không ai còn việc gì phải di chuyển lui tới, thì người điều động chương trình lễ bắt đầu "xướng" chu đáo, kính cẩn. Trước hết là lời xướng: "Nghệ quán tẩy sở, a…" (những người có trách nhiệm trực tiếp phụ trách việc tế tự, từ học trò lễ đến Chánh tế đều phải đến thau nước đặt sẵn trên giá bên cột đình để rửa/lau tay và mặt - tất nhiên chỉ là động tác tượng trưng); lại xướng: "Chỉnh y quan, a…" (sửa lại khăn áo cho chỉnh tề); rồi: "Khởi cổ lịnh , a…" (đánh lên mấy tiếng tiểu cổ - loại trống nhỏ, có cán cầm). Ngay sau đó, một hồi mõ được đánh to lên để cung kính đón chào Thần, gọi "Khai thái bình thinh". Lại xướng: "Khởi minh chinh, a…" (đánh chiêng), rồi "Khởi đại cổ, a…" (đánh trống lớn). Khi đã "tác nhạc" xong, tất cả đồng "hoàn cựu sở" (lui về vị trí). Tiếng trống chào mừng vừa ngưng, lễ Tĩnh sanh được tiến hành. Đây là lễ tế vật sống, thường là heo, được tiến hành theo nghi thức cổ truyền.

Chánh tế tại Lễ Kỳ yên Ðình Thới Bình (quận Ninh Kiều). Ảnh: DUY KHÔI

Sau lễ Tĩnh sanh, phần Chánh tế bắt đầu. Khởi là "Sơ hiến lễ", kế đó là "Á hiến lễ", sau cùng là "Chung hiến lễ", tức phải cử hành liên tục đúng bài bản 3 lần như nhau, mỗi lần 12 lễ sinh đồng bái, họ chia ra mỗi tốp 4 người từ từ tiến đến trước những bàn thờ mình thọ nhiệm, bằng những bước đi theo kiểu chữ tâm một cách vừa khoan thai vừa trang trọng. Đến đây chương trình được chuyển sang phần đọc bài văn tế viết trên giấy hồng đơn, nội dung kể rõ công nghiệp, đức tính vị Thần đang thờ cầu mong Thần phù hộ độ trì cho dân làng an vui, trúng mùa… Ông Hương văn đọc xong, bài văn tế được đốt (gọi "phần chúc") ngay bên đàn tế, trong một nồi bung bằng đất nung.

Chương trình cúng đình được kết thúc vào sáng ngày thứ ba bởi lễ Hoàn sắc. Ngày chuyển trả Sắc Thần về an vị nơi cũ; cũng với nhạc, lân, bát bửu và cũng với niềm tin đầy thành kính của dân làng bên những bàn hương án trang nghiêm dọc hai bên đường, y như ngày lễ Thỉnh sắc.

Thế là dân làng tin tưởng sẽ được Thần linh tiếp tục phù hộ độ trì "phong điều vũ thuận", "già mạnh khỏe, trẻ bình an"… để rồi năm sau, cứ đến ngày ấy, tháng ấy lễ hội cúng đình lại rộn ràng đáo lệ.

Cúng đình ở Nam Bộ, một biểu tượng văn hóa phi vật thể đến nay vẫn được diễn ra nhằm nhắc nhở mọi người nhớ đến các bậc Tiền hiền Hậu hiền có công với nước, với làng.

 Nguyễn Hữu Hiệp

 

Chia sẻ bài viết