12/07/2009 - 20:09

Hiệu quả mô hình nuôi thủy sản kết hợp

Anh Nguyễn Văn Sết bên ao nuôi cua.

Hai năm trở lại đây, hàng ngàn nông dân Trà Vinh đã chuyển sang nuôi kết hợp cua biển và tôm sú trong cùng diện tích mặt nước đã đem lại kết quả khả quan. Lợi nhuận của mô hình nuôi này tuy không quá cao, nhưng nông dân cầm chắc có lợi nhuận mà không sợ rủi ro...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2009, tổng diện tích thả nuôi thủy sản ở tỉnh khoảng 35.375 ha, giảm so với cùng kỳ năm 2008 gần 3.000 ha. Trong số này có 18.170 hộ thả nuôi tôm sú với trên 1,2 tỉ con giống, diện tích nuôi gần 19.000 ha mặt nước, giảm trên 6.000 ha so với năm 2008. Nông dân nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh tại tỉnh Trà Vinh đầu vụ nuôi năm nay tiếp tục đón nhận những tín hiệu không vui khi các ao tôm liên tục bị thiệt hại do con giống kém chất lượng, lịch thời vụ, kỹ thuật nuôi chưa đúng, môi trường không tốt... Có trên 330 triệu con giống của gần 4.400 hộ nông dân nuôi tôm sú Trà Vinh bị thiệt hại, với diện tích nuôi gần 5.300 ha. Ngược lại, diện tích nuôi cua biển kết hợp với tôm sú ở tỉnh Trà Vinh tiếp tục tăng khi có 9.200 hộ thả nuôi khoảng 35,5 triệu con giống, diện tích nuôi trên 10.000 ha, tăng hơn 2.200 ha so cùng kỳ. Các địa phương có diện tích nuôi tôm sú kết hợp cua biển nhiều nhất hiện nay ở Trà Vinh là các huyện Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú.

Tại huyện ven biển Duyên Hải, địa phương có diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hằng năm nhiều nhất so với các địa phương khác. Toàn huyện khoảng 15.300 ha mặt nước, được bà con nuôi thủy sản chủ yếu là tôm sú, cua biển, nhưng từ năm 2007 trở lại đây, diện tích nuôi tôm sú bắt đầu giảm mạnh. Theo ngành nông nghiệp huyện thì vụ tôm sú năm 2009, diện tích mặt nước thả nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh tiếp tục giảm trên 2.500 ha và thay thế vào đó là diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong ao, hồ nuôi tôm sú trước đây theo hình thức thả lan. Cụ thể năm 2008, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm ở Duyên Hải trên 9.000 ha, với 7.555 hộ thả nuôi (trong này một số ít hộ nuôi chuyên cua biển), so năm 2007 tăng 2.852 hộ với diện tích trên 3.000 ha. Trong năm 2009, nông dân Duyên Hải sẽ thả nuôi cua biển, tôm sú kết hợp và nuôi chuyên cua trên diện tích khoảng 12.000 ha mặt nước.

Theo nhiều nông dân địa phương, tuy con cua không đem lại mức lợi nhuận cao nhưng đây là vật nuôi rất hiệu quả. Mô hình nuôi cua kết hợp với tôm sú thả lan chi phí thấp, ít bị rủi ro trong quá trình nuôi vì không cần xử lý phân thuốc, chỉ cho ăn thức ăn dặm khi gần thu hoạch nên môi trường không bị ô nhiễm, cua, tôm ít chết. Nhiều nông dân cho rằng việc nuôi cua, tôm kết hợp theo hình thức này mấy năm qua rất thành công, cả hai đối tượng đều đem về hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, giá cua trên thị trường luôn ổn định, khi trừ chi phí đầu tư nông dân còn lợi nhuận cao. Hiện nay, giá cua thương phẩm trên thị trường dao động 200.000 - 220.000 đồng/kg cua gạch khối, 100.000 - 130.000/kg cua y và cua thịt 70.000 - 80.000 đồng/kg. Anh Lâm Minh Thế, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải, cho biết: “Tình hình thả nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh không được thuận lợi nhiều năm liền đã làm cho nông dân Duyên Hải không còn “mặn mà” với con tôm sú. Từ năm 2006 đến nay, con cua biển đã được người nuôi tôm chọn làm đối tượng nuôi chủ lực kết hợp với con tôm sú”.

Phong trào nuôi cua biển kết hợp với tôm sú cũng đang phát triển mạnh ở các xã Long Khánh, Đông Hải, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa của huyện Duyên Hải, vì đây là các địa phương có diện tích đất rừng - tôm rộng, tiếp cận với biển Đông và đảm bảo được độ mặn ổn định nên rất phù hợp với con cua biển. Hình thức thả nuôi cua biển phổ biến nhất của người dân là đầu năm thả cua, đến tháng thứ 4 bắt đầu thu hoạch chọn con đạt chất lượng bán, mua cua giống thả dặm, còn tôm thả khi bắt đầu vào vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nguồn cua giống chủ yếu là cua tự nhiên, được người nuôi mua lại của các hộ dân đóng đáy, xiệp. Giá thành cua giống hiện nay dao động 500 - 1.000 đồng/cua nhướng, 1.500 - 2.000 đồng/cua hạt tiêu và 2.500 - 3.000 đồng/cua hạt me.

Xã Long Khánh là địa phương có diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong ao, hồ nuôi tôm sú dẫn đầu của huyện Duyên Hải. Vụ tôm sú năm 2008, toàn xã có trên 86,16% hộ thả nuôi tôm bị thiệt hại, qua đó đã có 1.736 hộ nuôi tôm sú chuyển sang thả nuôi cua biển kết hợp tôm sú diện tích 2.000 ha. Kết quả, 100% hộ thả nuôi cua đều có lãi từ vài chục đến trên 100 triệu đồng/hộ. Năm 2009, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm sú ở Long Khánh là 2.668 ha, với số lượng khoảng 4 triệu cua giống, 10 triệu tôm sú giống. Nếu như ở Long Khánh trong giai đoạn 2003 - 2005, có khoảng 200 hộ chuyên nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh thì nay chỉ còn 4 hộ. Trong số hộ từ bỏ con tôm sú ở Long Khánh, có hai nông dân ở ấp Cái Đôi được nhiều người biết đến với “thành tích” nợ ngân hàng trên 1 tỉ đồng. Những hộ nuôi chuyên tôm sú trước đây đã ngán ngẫm giấc mộng làm tỉ phú, bắt chước người dân trong vùng áp dụng nuôi cua, tôm kết hợp để “giàu chậm mà chắc”. 4 hộ hiện nay còn đeo theo việc nuôi chuyên tôm sú ở Long Khánh, theo người dân địa phương cho biết họ đã lỡ phóng lao nên phải theo lao, chứ có người mắc nợ không nhỏ.

Ngược lại với những nông dân ôm nợ vì nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, nông dân Nguyễn Văn Sết, ở ấp Cái Đôi làm giàu với mô hình nuôi xen cua biển, tôm sú. Từ năm 2003 đến nay, với việc nuôi chung hai con cua tôm, với 5,5 ha đất, mỗi năm anh Sết thu về lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Với mô hình nuôi này, mỗi năm anh Sết chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng chi phí đầu tư con giống và thức ăn. Anh Sết phấn khởi nói: “Có một thời gian thấy người dân ở đây ồ ạt đi mua thiết bị về nuôi tôm sú theo kiểu công nghiệp cũng làm tôi nao lòng muốn bắt chước nuôi theo. Nhưng nghĩ mình ít vốn, không kinh nghiệm, với lại thu nhập từ cách nuôi cua kết hợp tôm cũng khá nên tôi quyết định chọn mô hình nuôi kết hợp”. Ngoài anh Sết, ấp Cái Đôi còn có các nông dân Mã Văn Bốn, Hà Văn Triều... nhờ “chung thủy” với cách nuôi kết hợp cua, tôm thả lan, mỗi năm đều thu lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết