26/01/2019 - 08:46

Hiệu quả cộng đồng từ mô hình hợp tác y tế với WHO

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 2 năm qua, TP Cần Thơ triển khai thí điểm mô hình xét nghiệm dựa vào cộng đồng, bao gồm tiếp cận viên xét nghiệm, tự xét nghiệm, thông báo đối tác về HIV, giang mai và viêm gan C (HCV) tại Cần Thơ (gọi tắt là xét nghiệm dựa vào cộng đồng), giúp phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV để tư vấn điều trị kịp thời cho người bị nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân (ngoài cùng, bên phải) và bác sĩ Huỳnh Minh Trúc (bên trái, người thứ hai) trao quà cho các tiếp cận viên  có những đóng góp nổi bật cho triển khai thí điểm.

Nhiều tiện ích

Tại một buổi truyền thông quảng bá dịch vụ tự xét nghiệm ở quán cafe, L., một học sinh 17 tuổi, quận Bình Thủy được bạn tình giới thiệu dịch vụ test HIV bằng dịch miệng. L. kể do có bạn tình nên lo lắng không biết mình có nhiễm HIV không. Sau khi nghe tư vấn, L. đã mạnh dạn tự mình thực hiện test. L. mở bộ test, lấy que quét vào nướu để lấy dịch miệng, rồi cắm vào ống sinh phẩm, sau 20 phút có kết quả. L. vui mừng nói: "Kết quả âm tính, em rất mừng. Thật không ngờ rất dễ dàng để biết mình có nhiễm HIV không. Đến buổi tư vấn, em cũng được các anh chị tư vấn phòng lây nhiễm HIV, sau này em sẽ cẩn thận hơn".

Nhiều khách hàng e ngại đến các buổi tư vấn, truyền thông thì có thể tự làm tại nhà. Theo các khách hàng đã trải nghiệm test HIV bằng dịch miệng, test thực hiện rất dễ, chỉ cần biết đọc hoặc hướng dẫn sơ là tự làm được.

Trước đây, để biết bản thân có nhiễm HIV hay không, người dân phải đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Với HIV, người dân sợ kỳ thị, sợ nhiều người biết nên ít người chủ động xét nghiệm HIV. Chưa kể người dân phải nghỉ làm để đến cơ sở y tế xét nghiệm. Vì thế, HIV chủ yếu được phát hiện "tình cờ" trong lần đi sanh, phẫu thuật, bị tai nạn hay khám sức khỏe… Chính vì thế, nhiều trường hợp phát hiện nhiễm HIV ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn, tốn kém và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, tính mạng.

Khách hàng tự xét nghiệm HIV bằng dịch miệng tại sự kiện truyền thông.

Từ tháng 2-2017, TP Cần Thơ triển khai xét nghiệm HIV bằng test dịch miệng hoặc lấy máu đầu ngón tay. Mô hình được triển khai thí điểm trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) và phụ nữ mại dâm tại 3 quận: Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng. Để triển khai mô hình, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ đã tập huấn cho 12 nhân viên tiếp cận cộng đồng (MSM, phụ nữ mại dâm, tiếp cận viên).

Theo chị Phạm Nguyễn Anh Thư, Khoa Truyền thông và can thiệp, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, nhân viên tiếp cận cộng đồng liên hệ khách hàng qua mạng xã hội (zalo, facebook…) và các trang thông tin trong giới MSM. Sau đó, tư vấn cá nhân qua các ứng dụng xã hội như chat, messenger… rồi hẹn khách hàng ở quán cafe, tại nhà hoặc bất cứ nơi nào theo yêu cầu của khách hàng. Tại nơi hẹn, khách hàng có thể tự xét nghiệm hoặc xét nghiệm có nhân viên hỗ trợ. Kết quả xét nghiệm hoàn toàn được bảo mật. Ngoài test đơn (chỉ phát hiện nhiễm HIV), mô hình còn triển khai test đôi (phát hiện HIV, giang mai), test viêm gan C.

Các test xét nghiệm này được cung cấp miễn phí. Nếu kết quả có phản ứng, người dân liên hệ với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ làm xét nghiệm khẳng định có hay không nhiễm HIV. Khi phát hiện nhiễm HIV sẽ được đưa vào điều trị ARV ngay. Hiện nay, điều trị ARV hoàn toàn miễn phí (dự án hỗ trợ thuốc) hoặc qua bảo hiểm y tế.

Tiếp cận được nhóm đích

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, cán bộ kỹ thuật WHO tại Việt Nam, cho biết, trước đây chỉ có cán bộ y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, với mô hình thí điểm này, nhân viên tiếp cận cộng đồng làm. Do "cùng giới" nên tiếp cận đối tượng đích rất tốt. Điểm cung cấp, tư vấn rất đa dạng là quán cafe, tại nhà, qua mạng… WHO khuyến cáo nhân rộng mô hình chọn nhân viên tiếp cận cộng đồng theo hướng này.  

Bác sĩ Nguyễn Danh Lam, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết: Qua thực hiện thí điểm, phát hiện nhiều người nhiễm HIV, giang mai và chuyển gởi điều trị gần 100%. Điểm hay của mô hình là đã tạo ra phong trào tự truyền thông trong nhóm, người quen và giúp đỡ nhau trong cộng đồng MSM, phụ nữ mại dâm. Hoạt động này cũng quy tụ được nhiều người tham gia, kết nối các hoạt động.

Từ năm 2016, WHO khuyến cáo các nước về mô hình xét nghiệm dựa vào cộng đồng. TP Cần Thơ là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai sáng kiến này.


Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân, trong 2 năm triển khai, TP Cần Thơ đạt được kết quả rất lớn. Những kết quả, bài học kinh nghiệm của thành phố làm cơ sở giúp Bộ Y tế xây dựng và ban hành hướng dẫn tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng (ban hành vào tháng 4-2018), cũng như được giới thiệu tại các hội nghị quốc tế về HIV.

Điểm đặc biệt của mô hình là khi có kết quả dương tính với HIV, khách hàng thông báo đối tác (bạn tình) để tư vấn bạn tình xét nghiệm HIV. Qua gần 2 năm có trên 100 lượt khách hàng là đối tác của người nhiễm HIV tham gia tự xét nghiệm, giúp phát hiện 60 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 59 người điều trị ARV.Qua gần 2 năm triển khai, mô hình đã tổ chức 2 sự kiện truyền thông, gần 300 cuộc truyền thông nhóm với gần 3.000 lượt người tham gia. Từ tháng 2-2017 đến tháng 11-2018, có trên 2.230 lượt khách hàng tham gia tự xét nghiệm HIV. Khách hàng xét nghiệm có tuổi đời từ 16-25 chiếm 44%. Qua đó, phát hiện 149 trường hợp nhiễm HIV, điều trị ARV cho 143 trường hợp. Ngoài ra, 869 lượt khách hàng test giang mai, phát hiện 92 trường hợp có phản ứng. Qua xét nghiệm, khẳng định 91 trường hợp bị giang mai và đưa vào điều trị 87 trường hợp. Bên cạnh đó, 278 khách hàng xét nghiệm viêm gan C, phát hiện 8 trường hợp có phản ứng.

Cần duy trì và mở rộng mô hình

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân cho biết: Test tự xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao (trên 90%). Về giá thành, test dịch miệng đang cung cấp cho Cần Thơ khoảng 4,5 USD/test. Giá này khá rẻ so với các nước phát triển (40 USD). Sắp tới, sinh phẩm vào Việt Nam, với giá 2 USD, test dịch miệng hoàn toàn có thể bán ở quầy thuốc, cơ sở y tế…

Mô hình triển khai tại TP Cần Thơ tập trung vào các nhóm chưa được chẩn đoán, xét nghiệm (67% xét nghiệm lần đầu). Chi phí xét nghiệm tại cộng đồng cũng rẻ hơn ở các cơ sở y tế. Hiện nay, WHO đang tính chi phí cụ thể. Mô hình xét nghiệm dựa vào cộng đồng chỉ có 12 nhân viên tiếp cận cộng đồng, làm không chuyên, chỉ hưởng phụ cấp mà đóng góp đến trên 43% số ca nhiễm HIV mới phát hiện tại TP Cần Thơ trong năm 2018. Bộ Y tế đang mở rộng mô hình này. TP Cần Thơ sắp tới cân nhắc mở rộng trong nhóm nghiện chích ma túy.

Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, cho biết, Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ đang hướng đến thực hiện mục tiêu 90-90-90. Trong đó, mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình là quan trọng nhất. Mô hình xét nghiệm dựa vào cộng đồng đã góp phần phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV để tư vấn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho nhiều người, vì thế cần được tiếp tục duy trì và mở rộng trong thời gian tới.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết