Thời gian qua, các ngành các cấp ở TP Cần Thơ luôn nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, hồ sơ cho tổ chức, công dân. Qua đó, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất với các TTHC cũng như giảm thời gian và chi phí đi lại.
Theo Sở Nội vụ TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có 113 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức và công dân. 100% sở ngành, quận, huyện áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO TCVN 9001:2008; 100% TTHC được niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử thành phố và các cổng thông tin thành viên. Đến nay, tổng số TTHC do UBND thành phố công bố ở 3 cấp là 1.505 TTHC, tất cả các thủ tục này đều được nhập vào phần mềm máy tính và được đề nghị công bố trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Bên cạnh đó, toàn thành phố đã triển khai 87 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
|
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính đã giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh hơn. |
Tại cuộc họp tổng kết ngành Nội vụ TP Cần Thơ vào ngày 8-1-2015 vừa qua, ông Trần Phước Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết: “Trong năm qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền cải cách hành chính (CCHC) đến với người dân bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú như phối hợp với báo đài; mở các diễn đàn trao đổi ý kiến để tiếp nhận phản ánh của tổ chức, công dân về hoạt động CCHC của thành phố. Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ tin học cho cán bộ nhằm thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức thi kiến thức tin học cho 213 cán bộ, công chức ở các sở ngành, quận, huyện và tổ chức thi khảo sát kiến thức CCHC cho 802 cán bộ, công chức là cán bộ, công chức là lãnh đạo văn phòng cấp sở, lãnh đạo phòng, ban chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã, công chức phụ trách một cửa các cấp”.
Từ việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều hiệu quả trong giải quyết công việc cho nhiều đơn vị, ông Trương Quốc Trạng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Cần Thơ, nói: “ Mô hình một cửa liên thông của Sở đã thực hiện từ năm 2007, đạt được nhiều kết quả trong công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Với mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Sở đã có thông báo đến các sở, ban ngành, quận, huyện, tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố việc áp dụng hệ thống Đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) để tổ chức, cá nhân làm các TTHC qua mạng, không mất thời gian đi lại. Song song đó, Sở còn rút ngắn thời gian cho thủ tục đăng ký thành lập mới doanh nghiệp từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc”. Còn tại Sở Công thương việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện khá tốt. ông Huỳnh Trung Trứ, Phó Giám đốc sở Công thương, cho biết: “Hiện tại Sở Công thương đã cung cấp 107 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở, trong đó có 26 TTHC đang thực hiện ở mức độ 3 và tất cả các TTHC còn lại ở mức độ 2 được triển khai xử lý trên phần mềm từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, đến các phòng chuyên môn và Ban giám đốc. Trong năm 2014, Sở đã tiếp nhận 11 hồ sơ trực tuyến ở mức độ 3 chủ yếu thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại. Khi tổ chức, cá nhân truy cập vào website, đăng ký tài khoản, cung cấp đầy đủ thông tin và nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả sẽ kiểm tra hồ sơ thông qua các tài liệu đính kèm, nếu hồ sơ đầy đủ, phần mềm sẽ tự động phát sinh mã hồ sơ kèm theo thời gian hẹn trả kết quả gửi về email của tổ chức cá nhân. Qua thực hiện tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã mang lại thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố khi họ có nhu cầu thực hiện TTHC”.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC tại các đơn vị vẫn còn gặp một số khó khăn như trang thiết bị một số đơn vị còn hạn chế nên việc áp dụng nộp hồ sơ trực tuyến khó thực hiện, chỉ có thể áp dụng cho một số công ty, doanh nghiệp có trang bị hệ thống mạng internet và các phương tiện cần thiết khác; một số doanh nghiệp chưa quen với thao tác trên phần mềm và có tâm lý e ngại khi gửi hồ sơ trực tuyến; hệ thống liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đôi lúc vẫn xảy ra lỗi kỹ thuật dẫn đến quá trình tác nghiệp bị chậm.
Trong năm 2015, Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu UBND thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình CCHC thành phố giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cấp các ngành, nâng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của cấp sở, ngành và quận, huyện. Bên cạnh đó, sở sẽ tổ chức tập huấn và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về CCHC cho đội ngũ cán bộ công viên chức phụ trách CCHC của các cơ quan, đơn vị địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết các TTHC nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng CCHC của thành phố.
Với việc quản lý, xử lý các TTHC bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức và một lợi ích thiết thực hơn nữa đó là giúp người dân tiếp cận và thực hiện các TTHC ngày càng dễ dàng hơn.
Bài, ảnh: Phi Yến