09/12/2021 - 10:01

Hiện đại hóa nền hành chính 

Năm 2021, TP Cần Thơ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, công dân. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cơ quan, đơn vị, địa phương càng quyết tâm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Theo đó, thành phố  cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến, khai thác hiệu quả hội nghị truyền hình trực tuyến, chứng thư số, đồng thời lập các kênh tương tác với người dân (tổ tư vấn qua điện thoại, Hệ thống dịch vụ công 1022), góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt hơn.

Nhiều cơ quan, đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Trong ảnh: Anh Huỳnh Ngọc Đoàn, chuyên viên Phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, đang xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.

Nhiều cơ quan, đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Trong ảnh: Anh Huỳnh Ngọc Đoàn, chuyên viên Phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, đang xử lý hồ sơ trên môi trường mạng.

Từ tháng 4-2021, thành phố đã vận hành chính thức Hệ thống dịch vụ công 1022 (Dịch vụ 1022) tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin, yêu cầu, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các vấn đề liên quan đến quy định hành chính, dịch vụ công, các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Dịch vụ 1022 gồm các kênh: đường dây nóng 0292.1022 (Tổng đài 1022), Cổng thông tin điện tử 1022, ứng dụng trên điện thoại di động (App 1022), mạng xã hội (Zalo, Facebook) và trực tiếp tại Văn phòng UBND thành phố. Đến tháng 11-2021, Dịch vụ 1022 đã tiếp nhận 8.011 yêu cầu, phản ánh, kiến nghị; qua đó đã giao các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý 7.863 vấn đề người dân phản ánh (hiện đang xử lý 148 vấn đề).

Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát, các kênh của Dịch vụ 1022 đã phát huy hiệu quả trong nắm bắt thông tin từ người dân về tình hình dịch bệnh và các vấn đề an sinh xã hội. Anh Nguyễn Hoàng Kha (quê ở tỉnh Vĩnh Long, hiện tạm trú phường An Khánh, quận Ninh Kiều), chia sẻ: “Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tôi chưa kịp đăng ký tạm trú nên không biết mình đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 ở phường hay phải chờ khi về quê. Tôi gọi đến Tổng đài 1022, được tổng đài viên tư vấn, hướng dẫn liên hệ đăng ký tại khu vực hoặc trạm y tế phường. Sau đó, tôi được tiêm 2 liều vaccine ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Có lần hết lương thực, thực phẩm, tôi đã gọi Tổng đài 1022 và ngay trong ngày, tôi được hỗ trợ 1 túi quà gồm gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu”. Ngoài ra, Tổng đài 1022 còn tiếp nhận nhiều thông tin về lĩnh vực y tế như: tình hình lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 không đảm bảo giãn cách, một số điểm tiêm vaccine còn tình trạng tập trung đông người… đều được thành phố ghi nhận, chuyển các đơn vị, địa phương xử lý.

Thành phố cũng đã sử dụng Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp thành phố đến cấp xã. Hệ thống đã phát huy hiệu quả khi hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người, nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, cho biết: “Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến nối tới từng phường không chỉ đảm bảo phòng, chống dịch, mà còn giúp cán bộ, công chức tiết kiệm thời gian hoặc phường có thể mở rộng thêm đối tượng tham gia cuộc họp để đảm bảo thông tin chỉ đạo từ cấp trên đến cơ sở được thông suốt”. Từ tháng 12-2020 đến nay, Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến các cấp của thành phố đã tổ chức 660 cuộc họp trực tuyến, trong đó có 241 cuộc họp cấp thành phố và 419 cuộc họp do UBND quận, huyện chủ trì họp với xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Theo anh Huỳnh Ngọc Đoàn, chuyên viên Phòng Hành chính - Tổ chức, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, dịch bệnh đã và đang thúc đẩy sự thay đổi cách thức làm việc của công chức, viên chức trên cơ sở tận dụng nền tảng trực tuyến. Hiện các cuộc họp chi bộ, họp chuyên môn đều được thực hiện trên các nền tảng sẵn có, như: Google Meet, Microsoft Team. Trường cũng đang sử dụng các phần mềm quản lý và điều hành văn bản; quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài các loại văn bản đến và đi được xử lý trên môi trường trực tuyến, hồ sơ sổ sách, công tác thi đua, đào tạo - bồi dưỡng, đánh giá viên chức được tích hợp trên phần mềm quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, tạo thuận lợi cho công tác lưu trữ và tra cứu.

Việc ứng dụng chứng thư số cũng được cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố sử dụng thường xuyên, hiệu quả, đảm bảo an toàn, xác thực độ tin cậy trong việc ban hành các văn bản điện tử. Hiện tất cả cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo ở các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, lãnh đạo cấp phòng, đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã được cấp phát chứng thư số để sử dụng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân phục vụ.

 Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết