12/06/2014 - 15:26

Hiếm muộn và vai trò của nam giới

Theo báo cáo của bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, có trên 85% các cặp vợ chồng hiếm muộn do người chồng có bất thường về tinh dịch đồ (TDĐ). Còn tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản - IVF Mekong, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu, qua đánh giá TDĐ của hơn 3.000 nam giới đến khám tại khoa thì có trên 94% là bất thường về tinh trùng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số này đang có xu hướng gia tăng do nam giới tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, bia rượu, sóng điện thoại, điện từ, thói quen mặc đồ lót chật, ngồi lâu, tiếp xúc hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, phân bón)… Theo bác sĩ Dư Huỳnh Hồng Ngọc, IVF Mekong, điều đáng lo ngại là hiện nay, nam giới đang có những nhận định sai lầm về sức khỏe sinh sản, sau đây là 5 điểm sai lầm thường thấy:

* Người bất thường về tinh trùng sẽ có những dấu hiệu nhận biết?

Sự bất thường về số lượng, độ di động hoặc hình dạng tinh trùng không biểu hiện ra cơ thể bên ngoài. Do đó không có một dấu hiệu nào để nhận biết ai có tinh trùng bình thường hay bất thường nếu như không xét nghiệm TDĐ. Hiện nay, xét nghiệm tinh trùng theo tiêu chuẩn của WHO 2010 được áp dụng cho hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam. Ngoài ra, nam giới bị bất lực hay yếu sinh lý không có nghĩa là không có tinh trùng, còn một người to khỏe lực lưỡng không đồng nghĩa với người đó chắc chắn có tinh trùng trong tinh dịch.

Bác sĩ của IVF Mekong đang tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn. Ảnh: Đ.L

* Số lượng tinh trùng nhiều thì không phải hiếm muộn?

Nam giới có thể có từ vài chục đến vài trăm triệu con tinh trùng cho mỗi lần xuất tinh không có nghĩa là khả năng có thai tốt vì còn phụ thuộc nhiều vào khả năng di động và hình dạng bình thường của tinh trùng. Số lượng tinh trùng nhiều nhưng di động kém thì tinh trùng cũng không thể đến thụ tinh với trứng được. Về hình dạng, tinh trùng bất thường phần đầu sẽ không có khả năng chui vào trứng để thụ tinh, nếu tinh trùng bất thường về phần cổ hay phần đuôi sẽ khó bơi lên gặp được trứng. Do đó điều này rất dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán nếu như không đánh giá được hoặc không quan tâm đến yếu tố hình dạng tinh trùng.

* Chỉ có vài con tinh trùng trong tinh dịch thì không thể có con?

Có rất ít tinh trùng trong mẫu xuất tinh thì được chẩn đoán là Cryptozoospermia, tỷ lệ này ước tính khoảng 2,17% trong dân số (theo Trung tâm di truyền - Đại học quốc gia TP HCM). Với số lượng tinh trùng ít thường đi kèm với khả năng di động kém và hình dạng bất thường nên khả năng có thai tự nhiên của nhóm này rất thấp. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị bằng thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng. Tuy nhiên, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là một tia hy vọng vì khi đó tinh trùng sẽ được sàng lọc và tinh trùng sẽ được tiêm vào bào tương của trứng (phương pháp ICSI); tỷ lệ thành công cao của bệnh nhân làm TTTON (hơn 40%) đang là niềm hy vọng cho nam giới.

* Không có tinh trùng có phải là dấu chấm hết?

Đây là những trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch (Azoospermia gọi tắt là Azoo) được chẩn đoán qua hai lần xét nghiệm TDĐ (cách nhau 2 tuần) mà vẫn không thấy sự hiện diện tinh trùng. Azoo có thể gặp ở người chưa từng có con hoặc đã từng có con rồi. Nếu như chưa từng có con thì nguyên nhân thường gặp do bệnh quai bị (tinh hoàn bị suy dẫn đến giảm khả năng sản xuất hoặc không sản xuất tinh trùng); bất sản ống dẫn tinh (ODT) hay viêm nhiễm làm tắc ODT (quan hệ tình dục không an toàn hoặc có nhiều bạn tình) cũng là nguyên nhân không có tinh trùng trong tinh dịch. Nam giới đã từng có con thì nguyên nhân thường gặp là do tắc ống dẫn tinh hoặc mắc quai bị sau khi đã có con.

Để biết Azoo thuộc nhóm nguyên nhân nào thì người đàn ông cần được khám nam khoa để đo kích thước hai tinh hoàn và thực hiện một số xét nghiệm nội tiết (FSH, LH, Testosterone), siêu âm bìu... Sau đó sẽ đề ra phương pháp phẫu thuật ly trích tinh trùng từ mào tinh hay tinh hoàn để tiến hành làm TTTON. Azoo không phải là dấu chấm hết mong muốn được làm cha, theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, có 70% những trường hợp không tinh trùng vẫn có thể có con với các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đây là một cứu cánh cho người đàn ông không tinh trùng với mơ ước có con từ chính tinh trùng của mình. Nhiều chuyên gia trên thế giới đang nghiên cứu để nuôi cấy tinh trùng từ các tế bào khác nhau trong cơ thể nhằm mục đích điều trị cho nam giới mà tinh hoàn không có sản xuất tinh trùng. Đây là cứu cánh cho đàn ông vô tinh trong tương lai không xa.

* Đàn ông có con rồi thì không hiếm muộn?

Điều này không đúng, vì độ tuổi nam giới càng lớn kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác như: bia rượu, hút thuốc, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với sóng điện thoại, sóng wifi thường xuyên…sẽ làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng thậm chí là không có tinh trùng trong tinh dịch. Để biết được khả năng sinh sản của mình như thế nào thì có một cách đơn giản là đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để thực hiện xét nghiệm TDĐ.

Tóm lại, không thể nhìn bề ngoài để đánh giá khả năng sinh sản của nam giới mà phải thử TDĐ. Hiện nay, với những trường hợp bất thường tinh trùng nặng về số lượng và chất lượng đã có một phương pháp điều trị nhằm đem lại cơ hội có con cho nam giới đó là phương pháp TTTON. Tại Việt Nam, TTTON đã triển khai thành công ở các thành phố lớn, tương đương với các trung tâm lớn trên thế giới. Còn tại ĐBSCL, IVF Mekong qua hơn 3 năm triển khai và đi vào hoạt động đã thực hiện đầy đủ các kỹ thuật liên quan hỗ trợ sinh sản.

H.Hoa (lược ghi)

Chia sẻ bài viết