19/09/2012 - 19:59

Đọc “Tà dương”

Hãy vượt qua nỗi đau bằng lòng tin

 

"Tà dương" là một trong những tiểu thuyết Nhật Bản hay nhất thời hậu chiến của nhà văn Dazai Osamu. "Tà dương" phản ánh không chỉ tấn kịch của một gia đình quý tộc suy tàn mà còn là một góc khuất của xã hội Nhật Bản thời hậu chiến. Tiểu thuyết do Hoàng Long dịch, NXB Hội Nhà Văn và Công ty sách Phương Nam phát hành quý III năm 2012.

azuko sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút. Sau khi cha mất, hai mẹ con Kazuko rời ngôi nhà tiện nghi ở khu phố Nishikata đến sống tại một sơn trang nhỏ ở vùng quê Izu Nagaoka xa xôi hẻo lánh. Do lao động cực nhọc, sống kham khổ, mẹ của Kazuko đã bệnh nặng qua đời. Naoji- em trai của Kazuko giải ngũ trở về, sa vào rượu chè, nghiện ngập. Kazuko cảm thấy trơ trọi giữa cuộc đời, cô đã tìm đến một nhà văn mà cô ngưỡng mộ xin ông giúp cô có được một đứa con. Ngày Kazuko từ biệt nhà văn trở về nhà cũng chính là ngày Naoji từ giã cõi đời…

Nhà văn Dazai Osamu nổi tiếng với các tác phẩm: "Thất lạc cõi người", "Pháo bông mùa đông", "Mất tư cách làm người"… với lối viết giản dị nhưng hàm chứa nỗi buồn sâu sắc trong hành trình tìm giá trị nhân sinh để thay đổi cuộc đời. "Tà dương" cũng không nằm ngoài nội dung đó.

"Tà dương" lấy bối cảnh nước Nhật sau chiến tranh thế giới thứ 2, mở đầu với cảnh ăn súp hết sức chỉn chu theo thể thức quý tộc của mẹ Kazuko. Cung cách đó bỗng nhiên trở nên lạc lõng và xa lạ trong mắt Kazuko khi cô tự kỷ về sự sa sút của gia đình "…tôi chỉ là thứ hành khất quý tộc nên chẳng thể nào sử dụng muỗng một cách kinh khoái và thuần khiết như mẹ tôi được" (trang 13). Hình ảnh "cao quý" cuối cùng của người mẹ trở thành một ký ức khó quên, khiến Kazuko nặng lòng, đau khổ khi bước vào hành trình tha hương đầy khó nhọc.

Đọc "Tà dương", độc giả cảm nhận được nhiều nỗi đau âm ỉ tồn tại trong một cô gái trẻ. Kazuko xót lòng nhìn mẹ cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới khắc nghiệt. Gia đình suy sụp, "lòng tốt giả tạo" của chú ruột và cái nhìn soi mói của mọi người khiến cho Naoji hoang mang, chán nản, để rồi tìm đến cái chết để giải thoát chính mình. Kazuko đau đớn với cuộc sống "lay lắt qua ngày". Đến lúc mọi thứ gần như bế tắc thì bản năng làm mẹ đã giúp cô gái trẻ muốn thay đổi cuộc đời tẻ nhạt của mình, sống tốt cho quãng đời còn lại…

"Tà dương" đã phản chiếu góc khuất trong tâm thức của người dân Nhật Bản thời hậu chiến. Người mẹ "quý tộc" của Kazuko là biểu trưng cho thời vàng son đã mất; em trai Naoji tượng trưng cho sự vỡ mộng, tuyệt vọng của của nước Nhật sau chiến tranh, loay hoay tìm lối thoát; sự vượt thoát của Kazuko là niềm hy vọng vươn lên cảnh hoang tàn đổ nát để làm lại cuộc đời…

"Tà dương" mở đầu với nỗi buồn man mác của nhân vật Kazuko nhưng lại khép lại với niềm chan chứa tin yêu về tương lai cũng của Kazuko: "Tuy giờ đây em thấy mình đã mất đi tất cả nhưng đứa bé đã trở thành hạt mầm nụ cười của nỗi cô độc riêng em… khi ước nguyện này thành sự thật, trong ngực em chỉ còn lại sự bình lặng như đầm lầy trong rừng sâu… hai người chúng em sẽ đấu tranh đến cùng với thứ đạo đức cổ hủ, sẽ sống như mặt trời…" (trang 165-167). Con đường mà Kazuko sẽ đi còn đầy gian nan và đầy khó nhọc, nhưng hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với cô gái trẻ…

Thảo Yên

Chia sẻ bài viết