Đó là thông điệp mà Greta Thunberg (ảnh) đưa ra trước Quốc hội Mỹ vào ngày 18-9. Cô gái trẻ này chính là người đã truyền cảm hứng cho phong trào bãi khóa rầm rộ trên toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu- “Những thứ sáu vì tương lai”.

Thunberg nằm trong số 4 học sinh được mời phát biểu tại Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về châu Âu, Á-Âu, Năng lượng và Môi trường cũng như Ủy ban Đặc biệt về Khủng hoảng khí hậu để thể hiện quan điểm của thế hệ kế cận về tình trạng biến đổi khí hậu. Khép lại chuyến thăm Washington 6 ngày, nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển đã phát biểu trước các nghị sĩ đảng Dân chủ và các “đồng nghiệp”, trong đó thúc giục họ nghe theo những cảnh báo của giới nghiên cứu khoa học và kêu gọi các giải pháp chống biến đổi khí hậu. Đứng tại xứ cờ hoa, nhưng Thunberg không ngại phê phán Mỹ là “lò phát khí thải carbon lớn nhất trong lịch sử” và là nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu. Do vậy, cô tin rằng nước này có vai trò “cực kỳ quan trọng và trách nhiệm đạo đức” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Thunberg cũng trình bày báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) tại buổi nói chuyện trên. Nội dung tài liệu hối thúc nhân loại cần thực hiện những thay đổi cấp bách và chưa từng thấy trong lối sống để giữ cho nhiệt độ Trái đất không tăng thêm 1,50C. Nếu lượng khí thải vẫn duy trì ở mức như hiện nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 1,50C trong giai đoạn 2030-2052. Nhiệt độ tiếp tục tăng thì những tác động do biến đổi khí hậu, bao gồm hạn hán và nước biển dâng, sẽ còn ghê gớm hơn. Theo các điều khoản của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015, 195 quốc gia trên thế giới cam kết hạn chế mức gia tăng nhiệt độ 1,50C, hoặc ít ra là dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump- một người phủ nhận biến đổi khí hậu- đã rút Mỹ khỏi văn kiện này hồi tháng 6-2017.
Trước đó 5 ngày, Thunberg đã dẫn đầu cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng, nhưng không có định ý vào tòa nhà này vì “không muốn gặp những người không thừa nhận khoa học”. Thông điệp của cô gửi đến Tổng thống Trump cũng giống những gì chia sẻ với các chính khách khác: hãy nghe theo khoa học và có trách nhiệm. Ngoài việc tham gia các sự kiện tại Đồi Capitol, Thunberg cũng đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trên Twitter, người tiền nhiệm của ông Trump ca ngợi nữ sinh bị hội chứng Asperger (một dạng tự kỷ) này là “một trong những nhà bảo vệ hành tinh vĩ đại nhất”.
Được biết, Thunberg đã trải qua 2 tuần vượt Đại Tây Dương đến Mỹ bằng tàu thay vì sử dụng máy bay để tránh phát thải khí carbon. Cô dự định sẽ lãnh đạo cuộc tuần hành trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về Hành động ứng phó khí hậu Liên Hiệp Quốc diễn ra tại New York vào đầu tuần tới.
Con đường trở thành thủ lĩnh phong trào toàn cầu
Ngày 20-8-2018, Thunberg “cúp học” để biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở Quốc hội Thụy Điển nhằm kêu gọi hành động nhiều hơn để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Kể từ tháng 9 năm ngoái, cô bắt đầu chiến dịch bãi khóa vào mỗi thứ sáu và lôi kéo các bạn khác hưởng ứng. Đến giữa tháng rồi, tổng số người tham gia “đình công” vì khí hậu lên tới 3,6 triệu người ở 169 quốc gia. Thunberg hồi tháng 3 vừa qua đã được đề cử nhận Giải Nobel Hòa bình.
THANH BÌNH (Theo CNN, Aljazeera)