08/02/2018 - 18:01

Hậu quả khôn lường sau những cơn say 

Mỗi dịp Tết đến, nhiều ca nhập viện bởi ngộ độc rượu, bia và các chấn thương do tai nạn giao thông lại tăng lên. Sau những cơn say là hậu quả khôn lường: ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người sử dụng rượu bia, gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguy cơ ngộ độc cao

Báo cáo của Hiệp hội bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước hơn 4 tỉ lít. Con số này thật sự đáng báo động. Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ, mỗi dịp lễ, Tết, thời gian nghỉ kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện có liên quan đến yếu tố rượu bia lại tăng cao. Trong số đó, những bệnh nhân ngộ độc rượu bia nhập viện vào Khoa ICU có khả năng tử vong rất cao. Bệnh nhân vào viện với các cơn co giật, thở nhanh, hôn mê, toan chuyển hóa nặng, ảnh hưởng thần kinh rất nặng, đe dọa tính mạng. Khi đó, bệnh nhân được hồi sức tích cực, may mắn qua được giai đoạn nguy kịch nhưng hầu hết các trường hợp đều để lại di chứng rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tri giác, sống như người thực vật suốt quãng đời còn lại.

Hằng năm, dịp Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu lại tăng ở các Khoa ICU. Trong ảnh: Người bệnh điều trị tại Khoa ICU BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: THU SƯƠNG

Hằng năm, dịp Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu lại tăng ở các Khoa ICU. Trong ảnh: Người bệnh điều trị tại Khoa ICU BV Đa khoa TP Cần Thơ. Ảnh: THU SƯƠNG

Theo bác sĩ Phụng, nhiều trường hợp người uống nhiều rượu bia nhưng không ăn uống, dẫn đến hạ đường huyết, nếu được phát hiện sớm thì có thể phục hồi được nhưng tình trạng kéo dài cũng dẫn đến di chứng tổn thương não, giống như người bị tai biến mạch máu não. Ngoài ra, người mắc các bệnh mãn tính, như viêm gan mãn tính, lại uống nhiều rượu bia, khiến bệnh tiến triển nặng thêm, như gây viêm gan mãn tính, xơ gan, ung thư gan. Uống rượu bia thường xuyên gây viêm loét dạ dày, tá tràng, dẫn đến xuất huyết, ói ra máu. Rượu bia gây tổn thương hệ thần kinh, làm suy giảm trí nhớ, gây các cơn động kinh, thậm chí dẫn đến tâm thần do rượu.

Một hệ lụy khác, rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông nghi ngờ có sử dụng rượu bia, khi xét nghiệm kiểm tra thì kết quả nồng độ cồn trong máu vượt gấp nhiều lần so với mức cho phép. Điều này không chỉ gây tổn thương cho chính người uống rượu bia mà còn liên lụy đến những người cùng tham gia giao thông.

Tác nhân gây vô sinh

Rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm gia tăng tỷ lệ hiếm muộn ở các cặp vợ chồng trẻ hiện nay của nước ta. Bác sĩ Nguyễn Phan Vinh, Phó Trưởng Khoa hiếm muộn BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết: Rượu là tác nhân làm giảm mức testosterone - hormone sinh dục nam có liên quan nhu cầu tình dục và kích thích tuyến tiền liệt, túi tinh bài xuất tinh dịch. Rượu, bia còn làm giảm hàm lượng globulin mang hormone giới tính trong máu. Các độc tố trong rượu sẽ tấn công vào những tế bào đặc thù tạo ra tinh trùng dẫn đến tình trạng tinh trùng bị chết hoặc dị dạng, khả năng di động kém, có thể gây dị dạng bất thường về phôi thai, tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu... Các chất kích thích có trong rượu có thể giúp cơ thể tăng hưng phấn tình dục nhất thời, tuy nhiên chúng lại nhanh chóng làm ức chế trung khu thần kinh dẫn đến nguy cơ bị rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục...

Ở nữ giới, khi uống rượu cũng có thể gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt và quá trình rụng trứng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng rượu, bia làm giảm khả năng có thai ở nữ, gây ảnh hưởng chủ yếu đến nội tiết và hoạt động của buồng trứng, dẫn đến rối loạn chức năng rụng trứng, làm phụ nữ khó có thai.

Việc sử dụng thức uống chứa chất cồn trong suốt quá trình mang thai có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho thai nhi, làm tăng nguy cơ dị tật thai và bất thường về phát triển thai nhi. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, đối với những bà mẹ đang mang thai uống rượu, bia, đứa trẻ khi sinh ra sẽ có hành vi hung hăng và chểnh mảng hơn những đứa trẻ có mẹ không uống rượu, bia. Ngoài ra, đứa bé có mẹ uống rượu, bia trong khi mang thai có nhiều khả năng mắc các vấn đề về thần kinh sau này.

Các bác sĩ cho rằng khó lòng nhận biết được tình trạng say rượu và hôn mê do ngộ độc rượu. Bác sĩ khuyên người thân nên quan tâm người say bằng cách lay gọi và nhắc nhở họ ăn uống để bổ sung dinh dưỡng sau cơn say, tránh say ngủ quá lâu có thể chuyển từ trạng thái say sang hôn mê, thậm chí tử vong. Bác sĩ Phan Thị Phụng khuyến cáo, những người mắc bệnh mãn tính, nên hạn chế tối đa sử dụng rượu bia. Khi đã sử dụng rượu bia, không nên tham gia giao thông, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết