07/06/2021 - 08:50

Hấp lực CPTPP! 

Tuần rồi, các quốc gia thành viên Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí để Anh bắt đầu đàm phán gia nhập. “Việc bắt đầu quá trình gia nhập với Anh và khả năng mở rộng CPTPP sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các đối tác thương mại trên khắp thế giới về cam kết của chúng tôi trong việc ủng hộ một hệ thống thương mại tự do, công bằng, cởi mở, hiệu quả, mang tính toàn bộ và dựa trên luật pháp” - các bộ trưởng cho biết trong tuyên bố chung.

Gia nhập CPTPP nằm trong chiến lược tăng cường thương mại với châu Á - Thái Bình Dương của Thủ tướng Anh Johnson. Ảnh: Getty Images

CPTPP gồm 11 quốc gia thành viên (Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru, Chile, Úc, New Zealand, Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia) có tổng GDP trên 10.200 tỉ USD, chiếm hơn 13% GDP toàn cầu. Với sự góp mặt trong tương lai không xa của Anh, nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP hơn 3.100 tỉ USD, CPTPP sẽ trở thành khối kinh tế có sức mạnh không thua kém Liên minh châu Âu (EU).

Ðề cập việc xin gia nhập CPTPP, Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss nói quyết định này đặt xứ sương mù vào “trung tâm của những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới”. Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson thì hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ quyết định gia nhập CPTPP, mở ra “cánh cửa hậu” giúp quan hệ thương mại Mỹ - Anh thắt chặt hơn sau khi Luân Ðôn không còn bị ràng buộc với EU.

Ðúng như tên gọi, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chất lượng cao và toàn diện, trong đó xóa bỏ đến 95% thuế quan  giữa các nước thành viên. Hiện nhiều nền kinh tế lớn và năng động trong khu vực đã chính thức xúc tiến hoặc đề cập khả năng gia nhập hiệp định này, chẳng hạn như Trung Quốc, Ðài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines...

Nhưng điều nhiều người quan tâm nhất là liệu nền kinh tế số 1 thế giới có tái tham gia hay không.

Cần nhắc lại rằng tiền thân của CPTPP là Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia do Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, khởi xướng. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2017, khiến các thành viên còn lại phải thương lượng và cho ra đời CPTPP. Ðến nay, đương kim Tổng thống Mỹ Biden chưa phát tín hiệu cho thấy sẽ sớm tham gia CPTPP nhưng bản thân ông là người ủng hộ hiệp định này vì từng là cấp phó cho ông Obama trong quá trình đàm phán TPP. Trong lúc vận động tranh cử, ông Biden cũng từng khẳng định sẽ đàm phán lại TPP nếu trở thành tổng thống với lập luận hoặc Trung Quốc sẽ đặt ra các quy tắc thương mại của thế kỷ 21 hoặc Mỹ sẽ làm điều đó. Theo ông, mặc dù TPP không phải là một hiệp định hoàn hảo, nhưng nó là một phương thức tốt cho các quốc gia cùng tập hợp lại “để kiềm chế sự thái quá của Trung Quốc”.

Hiện nay, có thể nói động lực để Mỹ tham gia CPTPP ngày càng lớn khi cả 2 lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đều khẳng định “tích cực xem xét” việc gia nhập và trên thực tế đã bắt đầu đàm phán kỹ thuật với một số thành viên CPTPP như Úc, New Zealand, Malaysia...Nói như tờ Bloomberg thì Bắc Kinh đang tìm cách tham gia một hiệp định thương mại mà mục đích ban đầu của nó là nhằm loại bỏ Trung Quốc và tăng cường sức mạnh kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn nữa, Bắc Kinh hồi cuối năm ngoái cũng đã thành công trong việc cho ra đời Hiệp định Ðối tác toàn diện khu vực (RCEP) quy tụ 15 nền kinh tế. RCEP hiện chiếm 30% GDP toàn cầu, trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới - danh hiệu vốn từng thuộc về TPP (chiếm 40% GDP toàn cầu).

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết