19/02/2022 - 10:31

Hàn Quốc thay đổi cách chống COVID-19 

HẠNH NGUYÊN (Theo NY Times, Financial Times)

Do biến thể Omicron lây lan nhanh, Hàn Quốc buộc phải từ bỏ chiến lược “3T” (xét nghiệm, theo dõi và điều trị) để tập trung vào những đối tượng dễ tổn thương nhất, trong khi yêu cầu những người nhiễm khác tự chăm sóc tại nhà.

Người dân Hàn Quốc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Reuters

Trong 2 năm qua, Hàn Quốc chống dịch COVID-19 thành công nhờ áp dụng công thức “3T”. Giới chức nước này đã thực hiện xét nghiệm diện rộng và truy vết quyết liệt bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), thậm chí gọi điện kiểm tra hàng ngày đối với bệnh nhân trẻ có nguy cơ thấp mắc COVID-19 thể nặng. Nhờ vậy, Hàn Quốc ngăn chặn các ca mắc bệnh và nhập viện hiệu quả hơn hầu hết các quốc gia ở phương Tây. Việc tránh thực hiện biện pháp phong tỏa toàn quốc cũng đã giúp kinh tế nước này tăng trưởng 4% năm ngoái, mức tăng trưởng hàng năm cao nhất trong 11 năm qua.

Tuy nhiên, khi biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm cao có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế công cộng, Hàn Quốc nhận thấy chiến lược trên dường như không bền vững, thậm chí là vô ích. Theo Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca bệnh nặng và tử vong do Omicron gây ra thấp hơn nhiều so với biến thể Delta. Phần lớn các ca nhiễm biến thể Omicron không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ. KDCA cho biết hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hàn Quốc lâu nay tập trung điều trị như nhau đối với tất cả các ca bệnh, do vậy việc điều trị sẽ thiếu hiệu quả vì không thể tập trung cho nhóm có nguy cơ cao.

“Chúng ta phải sử dụng nguồn lực hạn chế hiệu quả hơn, tập trung vào việc bảo vệ những người có nguy cơ cao khỏi bệnh nặng hoặc tử vong”, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol nói rõ. Hiện nay, Hàn Quốc đang chuyển trọng tâm chống dịch sang kế hoạch mới mang tên “lựa chọn và tập trung”.

Theo cách tiếp cận mới, Chính phủ Hàn Quốc dồn nỗ lực giám sát vào những bệnh nhân nguy cơ cao đang điều trị tại nhà (những người trên 60 tuổi và người có bệnh nền), cung cấp cho họ bộ dụng cụ điều trị và gọi điện thăm hỏi sức khỏe 2 lần/ngày. Những bệnh nhân COVID-19 khác phải tự theo dõi các triệu chứng tại nhà và gọi cấp cứu khi bệnh tình chuyển biến xấu. Các nhân viên y tế sẽ không còn mỗi ngày gọi điện cho những bệnh nhân này hoặc cung cấp thực phẩm và các vật dụng khác, như đã làm trong thời gian qua. Thay vào đó, thân nhân người bệnh có thể tự do đi ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm nếu họ đã được tiêm vaccine.

Tuần rồi, Hàn Quốc bắt đầu yêu cầu những người dương tính với virus tự chăm sóc tại nhà, đồng thời chuyển hướng nguồn lực sang những đối tượng dễ tổn thương nhất. Rất nhiều trong số 60.000 nhân viên từng theo dõi người nhiễm virus thông qua các ứng dụng điện thoại có hỗ trợ GPS đã được chuyển sang trợ giúp người lớn tuổi điều trị tại nhà. Hôm 15-2, chính phủ cũng đã kêu gọi hàng ngàn phòng khám nhỏ giúp tháo gỡ tình trạng tắc nghẽn dường dây nóng do có quá nhiều người tìm kiếm thông tin điều trị tại nhà.

Số ca mắc trong ngày tăng kỷ lục

Cho đến năm ngoái, Hàn Quốc chưa bao giờ ghi nhận hơn 7.800 ca mắc mới COVID-19 trong ngày. Nhưng khi biến thể Omicron trở thành chủ đạo, số ca mắc mới trong ngày đã lần đầu tiên vượt 100.000 hôm 17-2. Chính phủ Hàn Quốc ước tính số ca mắc mới trong ngày sẽ lên tới 170.000 ca vào cuối tháng 2 này. Ðiều đó đồng nghĩa có quá nhiều bệnh nhân cần được hỗ trợ cùng một lúc. Dù số ca mắc vượt 100.000 ca/ngày, quốc gia Ðông Bắc Á không điều chỉnh lớn biện pháp phòng dịch.

May mắn là Omicron ít nguy hiểm hơn biến thể Delta. Ngay cả khi ca mắc do biến chủng Omicron gây ra tăng cao, số ca tử vong trong ngày đã giảm từ con số kỷ lục 109 hôm 23-12-2021 xuống còn 36 hôm 17-2. Ca nặng trong bệnh viện cũng giảm từ 1.000 ca hồi giữa tháng 12-2021 xuống 389 ca. Số người điều trị tại nhà đã tăng từ 150.000 hồi tuần rồi lên 314.000 và dự kiến sẽ còn tăng.

Hàn Quốc đến nay ghi nhận hơn 1,7 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 7.200 trường hợp tử vong. 

Chia sẻ bài viết