15/05/2021 - 22:20

Hàn Quốc tham vọng thống trị ngành công nghệ chip 

Hàn Quốc đang dốc toàn lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng. Theo đó, chính phủ nước này vừa công bố kế hoạch đầu tư 510.000 tỉ won (tương đương 451 tỉ USD), gồm 171.000 tỉ won của Hãng điện tử Samsung Electronics, đồng thời tăng cường ưu đãi thuế nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chip trong bối cảnh toàn cầu thiếu hụt các thành phần sản xuất chip quan trọng.

Tổng thống Moon Jae-in (thứ tư từ phải sang), công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại nhà máy Samsung ở thành phố Pyeongtaek. Ảnh: Korea Times

Cường quốc bán dẫn

Theo tờ Nikkei Asia, tổng cộng 153 công ty sẽ bắt tay thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất chip kéo dài hàng thập kỷ của Hàn Quốc, nhằm bảo vệ ngành kinh tế quan trọng nhất xứ kim chi. Kế hoạch còn bao gồm mục tiêu đào tạo 36.000 chuyên gia chip từ năm 2022 đến năm 2031, đóng góp 1.500 tỉ won cho nghiên cứu và phát triển chip. “Chính phủ sẽ bắt tay với các công ty để tạo thành một cường quốc bán dẫn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các công ty một cách cụ thể” - Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố.

Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đối mặt với nhiều thách thức gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Ðài Loan (TSMC). Nó cũng được triển khai giữa lúc Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu tìm cách tăng cường khả năng tự chủ ngành bán dẫn, sau khi tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu làm lộ rõ sự phụ thuộc vào một số ít các nhà sản xuất châu Á, cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế các nước bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề. Hiện tình trạng thiếu hụt chip đang lan rộng từ ngành sản xuất ô tô, điện thoại thông minh đến sản xuất màn hình, khiến chất bán dẫn được đưa vào chương trình nghị sự của nhiều chính phủ, từ Washington cho đến Bắc Kinh.

Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ khuyến khích ngành công nghiệp chip bằng cách giảm thuế, giảm lãi suất, nới lỏng các quy định. Bộ Tài chính Hàn Quốc mới đây cho biết sẽ nâng tỷ lệ khấu trừ thuế đối với các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của các công ty lớn lên 40% từ mức 30% hiện tại, mở đường cho Samsung Electronics và Hãng sản xuất chip SK Hynix giảm bớt gánh nặng tài chính. Samsung hôm 13-4 tiết lộ sẽ đầu tư vào hệ thống tích hợp quy mô lớn (LSI) chuyên sản xuất vi xử lý bán dẫn số tiền lên tới 171.000 tỉ won cho đến năm 2030, tăng 38.000 tỉ won so với kế hoạch được công bố hồi tháng 4-2019, để “đẩy nhanh nghiên cứu công nghệ quy trình bán dẫn tiên tiến và xây dựng một cơ sở sản xuất mới”. Hãng điện tử này hy vọng sẽ thúc đẩy mục tiêu dẫn đầu thế giới về công nghệ chip vào năm 2030, qua đó đã bắt đầu xây dựng một dây chuyền sản xuất hiện đại mới tại nhà máy rộng khoảng 2,9 km2 ở thành phố Pyeongtaek, phía Nam Seoul. Theo các nhà quan sát thị trường, Samsung có khả năng sẽ công bố kế hoạch đầu tư khoảng 17 tỉ USD vào việc xây dựng dây chuyền sản xuất chip mới ở Austin, bang Texas trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Moon Jae-in.

Samsung hiện là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, chiếm 42% thị phần chip DRAM và một phần ba chip NAND. Tuy nhiên, TSMC đang dẫn đầu thị trường sản xuất gia công chip toàn cầu với hơn 50% thị phần.

Mặt khác, các nhà sản xuất chip cũng sẽ được hưởng khoản khấu trừ cao hơn đối với các khoản đầu tư vào cơ sở vật chất. Phát biểu với Nikkei Asia, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Moon Seung-wook cho biết, chiến lược bán dẫn với sự hợp tác của khu vực tư nhân này được đưa ra nhằm đối phó với việc thay đổi nhanh chóng của chất bán dẫn trong bối cảnh thiếu chip. “Chúng tôi có thể dẫn đầu chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu nếu chúng tôi trở thành nhà cung cấp chip ổn định, đáp ứng nhu cầu toàn cầu” - Bộ trưởng Moon nhấn mạnh.

Samsung và Hyundai bắt tay hợp tác

Kế hoạch thống trị ngành công nghệ chip của Hàn Quốc theo sau những nỗ lực của các cường quốc khác. Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn dành 50 tỉ USD cho nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn, một phần trong tham vọng tổng thể nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng xứ cờ hoa. Còn Trung Quốc cũng đã dành hàng trăm tỉ USD để phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip riêng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Hàn Quốc cung cấp khoảng 60% sản phẩm bán dẫn cho Trung Quốc, bao gồm Hong Kong. Giới lãnh đạo Hàn Quốc coi bán dẫn là “vũ khí chiến lược” trong cuộc chạy đua quyết liệt nắm quyền công nghệ vượt trội không chỉ giữa các công ty mà cả giữa các quốc gia.

Trong nỗ lực riêng của mình, Samsung - nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới và Hyundai - tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu của Hàn Quốc hôm 13-5 ký thỏa thuận hợp tác với Viện Công nghệ Ô tô và Viện Công nghệ Ðiện tử thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) để tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp sản xuất chip ô tô.

Hàn Quốc tự hào dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất chip nhớ, nhưng lại tương đối yếu trong mảng kinh doanh chip logic. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, nước này chỉ chiếm 2,3% thị phần sản xuất chip ô tô. Dẫn đầu trong lĩnh vực này lần lượt là Mỹ (31,4%), Nhật Bản (22,4%) và Ðức (17,7%). Các nhà sản xuất chip lớn của Hàn Quốc như Samsung và SK hynix Inc. tập trung vào sản xuất chất bán dẫn bộ nhớ hiệu suất cao vì chip ô tô được xem là đem lại ít lợi nhuận hơn, trong khi lại đòi hỏi quy trình kiểm định phức tạp và yêu cầu chất lượng khắt khe.

Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu hụt chip ô tô trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là bộ vi mạch điều khiển điện tử trên ô tô, dẫn đến tình trạng phải tạm ngừng sản xuất nhiều lần. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc hy vọng thỏa thuận giữa Samsung và Hyundai có thể tăng cường năng lực tự chủ của đất nước trong lĩnh vực sản xuất chip ô tô và nâng cao khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc đối với việc sản xuất các ô tô thế hệ tiếp theo trong tương lai.

TRÍ VĂN (Theo Nikkei Asia, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết