13/03/2022 - 09:51

Hàn Lâm Miếu và tín ngưỡng Võ Tướng Thần ở Châu Đốc 

TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) được khai phá muộn, hình thành cách nay chưa đầy ba thế kỷ; song vùng đất này trở thành nơi hội tụ và giao hòa nhiều dòng chảy văn hóa khác nhau. Các dân tộc Việt, Khmer, Chăm, Hoa đã cùng tích lũy và chia sẻ những giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa địa phương. Trong đó có tín ngưỡng - tôn giáo của người Hoa.

Người Hoa ở Châu Đốc nói riêng và Nam Bộ nói chung còn bảo lưu nhiều hình thái tín ngưỡng - tôn giáo đa dạng. Nhìn chung, người Hoa chủ yếu theo Phật giáo Bắc truyền, tín ngưỡng dân gian và thờ cúng tổ tiên. Những vị thần thường được thờ cúng phổ biến là Quan Công, Thiên Hậu, Ông Bổn, Ngọc Hoàng… Trong gia đình thì thờ các vị Táo Quân, Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần, Kim Hoa Thánh Mẫu… Tuy nhiên, người Hoa ở Châu Đốc còn có một tín ngưỡng rất đặc thù đó là Võ Tướng Thần. Đây là đối tượng được thờ cúng tại Hàn Lâm Miếu (ảnh), tọa lạc phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Không ai còn nhớ chính xác ngôi miếu ra đời từ khi nào, chỉ biết đã tồn tại khoảng trước những năm 1940 và chỉ là một chòi nhỏ bằng tre lá. Năm 1948, miếu được xây lại khang trang và giữ nguyên diện mạo đến nay. Theo người địa phương, Võ Tướng Thần tên thật là Lý Phước Trường, nguyên quán ở Triều Châu. Ông làm quan dưới triều vua Sùng Trinh (Minh Tư Tông), giữ chức Hàn Lâm viện Đại học sĩ, là người cương trực. Khi xảy ra chiến sự với người Mãn, ông tình nguyện ra trận rồi bị bắt, do ông không quy hàng nên bị sát hại. Sau này người dân lập miếu thờ ông để tưởng nhớ tấm gương trung nghĩa.

Theo tư liệu của Hàn Lâm miếu, khoảng những thập niên đầu thế kỷ XX, một số công chức ở Châu Đốc lập đàn cầu cơ và được ông giáng cơ. Khi giáng đàn, ông cho biết mình được Ngọc Đế phong là Võ Tướng Thần. Việc này tiếp diễn nhiều lần. Chúng ta có thể thấy tín ngưỡng này nhuốm màu sắc Đạo giáo, đồng thời kết hợp với thuật cầu cơ nở rộ ở miền Nam Việt Nam bấy giờ. Tại Châu Đốc, phong trào cũng thịnh hành những năm 1920-1950. Nhà nghiên cứu Lâm Quang Hiển (Châu Đốc) cung cấp thông tin: “Thời năm 1920-1930, ở đây có hiện tượng là mấy ông công chức và thầy giáo cầu cơ, ông nầy (Lý Phước Trường) mới giáng đàn về. Sau đó có dịch bịnh, ổng có ra bài thuốc để cứu dân vùng đó nên người ta tin tưởng mới thờ. Tôi nghĩ hình thức để cho dân chúng tin tưởng nhứt là hình thức trị bịnh, những tôn giáo cũng theo hình thức đó để tạo lòng tin cho dân chúng” (tư liệu điền dã).

Ngày nay, Hàn Lâm miếu là một trong những công trình kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao. Cổng miếu dạng tam quan, bên trên có bảng “Hàn Lâm viện” bằng chữ Hán màu vàng trên nền đỏ, dọc hai thân cột là liễn đối “Sanh tiền sắc tứ Hàn Lâm viện / Một hậu sắc phong Võ Tướng Thần”. Bước vào trong sân có hai miễu nhỏ là Ngũ Hành và Sơn Quân đối xứng nhau. Ngôi chánh điện có bộ nóc nhị cấp lợp ngói tiểu đại, mái cong hình thuyền, bờ nóc trang trí tượng rồng phun nước, các đầu đao trang trí hoa văn mây uốn lượn. Giữa hai cấp mái có khắc các dòng chữ Quốc ngữ gồm: “Hàn Lâm miếu” ở giữa, “Mậu Tý niên” ở bên trái và “Nhất cửu tứ bát” (1948) ở bên phải. Trên cửa chính vào miếu có hoành phi “Võ Tướng Thần” bằng chữ Hán nhũ vàng trên nền đỏ. Hai chái bên có nóc thấp hơn gian chính, mặt tiền là hai cửa sổ tròn cách điệu chữ “thọ” theo Hán tự.

Trong chánh điện, các gian thờ được bố trí dọc theo trục trung tâm và hai vách. Ở giữa lần lượt từ ngoài vào là bàn thờ Phù Sứ, đến bàn thờ Hội Đồng Nội, cuối cùng ở vị trí cao nhứt là bàn thờ Võ Tướng Thần. Trên bàn thờ chánh có long ngai, bên trên đặt long vị, hai bên có lỗ bộ (bộ binh khí) và tượng đôi chim hạc, phía trước long ngai là hòm đựng văn tế. Nhìn từ bàn thờ chánh ra, vách bên trái lần lượt là các bàn thờ Tả Ban, Tiền Bổn Hội Quá Vãng, Thiện Nam, vách bên phải lần lượt là các bàn thờ Hữu Ban, Hậu Bổn Hội Quá Vãng, Tín Nữ. Mặc dù Hàn Lâm miếu là nơi thờ vị thần người Hoa, nhưng lại vắng mặt mô hình thờ tự điển hình trong các miếu của người Hoa, đó là phối thờ Phước Đức Chánh Thần và Thiên Hậu Thánh Mẫu hai bên bàn thờ chánh. Tại đây, hai bên bàn thờ chánh lại mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Nam Bộ với bàn thờ Tả - Hữu Ban và Tiền - Hậu Bổn Hội Quán Vãng, như ở các đình thần.

Hằng năm, miếu Hàn Lâm tổ chức lễ Vía Ông vào các ngày 8, 9 và 10 tháng 2 âm lịch, nghi thức giống như nghi thức của đình làng Nam Bộ và có hát bội. Lễ Thỉnh sắc diễn ra vào sáng mùng 8, lễ Túc yết và lễ Chánh tế lần lượt diễn ra vào rạng sáng mùng 9 và mùng 10. Tuy gọi là lễ Thỉnh sắc như các đình làng, song qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trong hòm sắc trên bàn thờ chỉ có tờ văn tế được dùng để đọc khi cúng thần hằng năm, chứ không phải là sắc phong do vua ban. Ngoài lễ nói trên, miếu còn tổ chức cúng Tất niên vào ngày 20 tháng Chạp âm lịch.

Có thể nhận thấy, trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ nói chung và Châu Đốc nói riêng, các thần linh được sùng kính có thể là nhân vật có thật hoặc chỉ mang tính huyền thoại, nhưng phần lớn đều được gắn liền với yếu tố địa lý cụ thể. Trong quá trình di cư đến Việt Nam, hành trang người Hoa mang theo có cả những hình thái tín ngưỡng - tôn giáo từ quê cũ. Trên vùng đất mới Châu Đốc, họ đã duy trì và phát triển tín ngưỡng dân gian. Trong đó không chỉ có những tín ngưỡng tương tự cộng đồng người Hoa các nơi khác ở Nam Bộ, mà còn có hình thái đặc thù của địa phương là tín ngưỡng Võ Tướng Thần.

VĨNH THÔNG

Chia sẻ bài viết