05/06/2015 - 09:38

Hạn chế rủi ro thông qua khai thác thông tin tín dụng

Theo Thông tư số 03/2013/TT-NHNN "Quy định về hoạt động thông tin tín dụng (TTTD) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam", các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) và Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) có trách nhiệm báo cáo, cung cấp TTTD về Trung tâm TTTD của NHNN (gọi tắt là CIC). Hoạt động TTTD nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu TTTD quốc gia hỗ trợ NHNN thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo thuận lợi cho khách hàng vay trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Do vậy, hoạt động TTTD cần được các TCTD tiếp tục quan tâm đúng mức, tham gia cung cấp thông tin kịp thời và khai thác, sử dụng thông tin hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng trong toàn hệ thống.

Theo Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), đến nay, tổng số hồ sơ khách hàng cập nhật từ Quỹ TDND, Tổ chức TCVM gần 130.000 khách hàng. Trong đó, khách hàng vay của Tổ chức TCVM trên 12.000 khách hàng. Trong khi theo ước tính có trên 5 triệu khách hàng vay tại Quỹ TDND và tổ chức TCVM. Tổng dư nợ cập nhật trên 9.206 tỉ đồng so với 53.000 tỉ đồng tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, có 69.000/114.000 khách hàng của Quỹ TDND và 5.800/12.000 khách hàng vay của Tổ chức TCVM đã và đang vay từ các TCTD khác. Về khai thác TTTD, qua thống kê của CIC có 89 Quỹ TDND có khai thác sử dụng thông tin từ hệ thống với 6.700 báo cáo cập nhật trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015. Trong khi đó, chưa có Tổ chức TCVM nào tham gia khai thác TTTD từ CIC.

Thông tin tín dụng giúp các TCTD giảm rủi ro khi cung cấp nguồn vốn tín dụng cho khách hàng. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND Tín Nghĩa, TP Cần Thơ.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển và Marketing, CIC, nhìn chung, cán bộ nghiệp vụ của các Tổ chức TCVM và Quỹ TDND chưa nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong hoạt động cung cấp và khai thác TTTD. Hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý khách hàng của nhiều tổ chức còn lạc hậu, một số tổ chức sử dụng phần mềm kế toán giao dịch trên nền tảng công nghệ yếu, lạc hậu, cơ sở dữ liệu khách hàng sơ sài, không tự xây dựng được ứng dụng tạo lập báo cáo, phải thực hiện thủ công… Các Quỹ TDND trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố còn có tư tưởng chờ đợi, chưa chủ động để thực hiện báo cáo. Việc phối hợp của một số Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để đôn đốc, kiểm tra các Quỹ TDND, Tổ chức TCVM báo cáo TTTD còn chưa tốt. Chưa tổ chức được các khóa đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các Quỹ TDND, Tổ chức TCVM.

Qua phân tích thực trạng báo cáo tín dụng tài chính vi mô tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, chia sẻ TTTD sẽ giúp các TCTD tránh tình trạng cho vay đối với những khách hàng không có khả năng trả nợ, giảm rủi ro cho chính các TCTD lẫn khách hàng của họ. Theo đó, các TCTD cần tích cực tham gia cung cấp TTTD thông qua Trung tâm Thông tin Tín dụng quốc gia Việt Nam, xây dựng hệ thống TTTD kịp thời, chính xác, ngăn ngừa tình trạng vay nợ quá mức, tăng khả năng sinh lời và đảm bảo tính ổn định trong ngành TCVM. Ông Tony Lythgoe, Giám đốc Nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính khu vực, Chương trình Thị trường và Tài chính IFC, nói: "Chia sẻ TTTD sẽ giúp các TCTD có bức tranh tổng thể về khách hàng hiện tại và những khách hàng tiềm năng. Đối với lịch sử hồ sơ tín dụng, những khách hàng nào đã trả được các khoản vay trước đó sẽ có khả năng trả nợ cho các khoản vay sắp tới. Do đó, việc cung cấp TTTD cần được các TCTD thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác để tạo thuận lợi cho việc khai thác thông tin từ hệ thống, giảm rủi ro cho các TCTD lẫn khách hàng của họ".

Thực hiện chính sách giá đối với Quỹ TDND và Tổ chức TCVM, từ tháng 5-2013, CIC đã giảm phí từ 40.000 đồng xuống 30.000 đồng đối với báo cáo tín dụng cá nhân cơ bản. Từ 1-1-2014, miễn phí thường niên và từ tháng 5-2015 giảm tiếp 50% tất cả các loại báo cáo so với các TCTD khác đang áp dụng với mức chi phí báo cáo tín dụng cá nhân cơ bản 15.000 đồng/báo cáo. Các báo cáo không có thông tin sẽ không thu tiền. Bà Nguyễn Minh Lệ Hà, Giám đốc Quỹ TDND Tân Hiệp (Châu Thành-Tiền Giang), chia sẻ: "Thông thường, các Quỹ TDND có quan niệm lợi nhuận Quỹ ít, khách hàng ổn định nên ít chú tâm khai thác các báo cáo TTTD từ CIC. Thực tế cho thấy, việc tiếp cận các TTTD sẽ giúp các TCTD có được những thông tin bổ ích về khách hàng đảm bảo an toàn khi cung cấp nguồn vốn tín dụng. Thời gian qua, khi Quỹ TDND Tân Hiệp tham gia báo cáo TTTD về CIC thường gặp khó trong khâu gửi nội dung báo cáo, do chưa có chương trình vận hành thống nhất nên báo cáo gửi về hệ thống thường báo lỗi. Do đó, chúng tôi đề xuất CIC nên xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin báo cáo tập trung để các TCTD kịp thời cập nhật, báo cáo thông tin nhanh chóng và thông suốt".

CIC đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, 70% các TCTD tham gia báo cáo TTTD về hệ thống của CIC và tỷ lệ TCTD tham gia báo cáo đến năm 2020 sẽ đạt 90%. Ông Cao Văn Bình, Phó Tổng giám đốc CIC, khẳng định: "Khi các TCTD tham gia sử dụng báo cáo TTTD từ CIC càng nhiều chi phí sẽ càng giảm đi. Khó khăn hiện nay là việc cập nhật TTTD nhất là việc cập nhật bổ sung đối với thông tin phát sinh còn sai sót do chế độ báo cáo của các phần mềm sử dụng không giống nhau. Thời gian tới, CIC sẽ liên kết với các đơn vị chuyên cung cấp phần mềm báo cáo và vận động các đơn vị này có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các TCTD nhất là Tổ chức TCVM cập nhật lại phần mềm báo cáo tài chính, TTTD thống nhất với chi phí thấp để các TCTD cập nhật và khai thác sử dụng hiệu quả.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết