18/08/2011 - 09:44

Đọc “Chảy qua bóng tối”

Góc khuất buồn ở một làng quê đô thị hóa

“Cô độc giữa một rừng người làm cho lão sợ hãi hơn cả khi chỉ có một mình”- câu nói đó phản ánh tâm trạng của người dân Xóm Bến khi nhìn mảnh đất bao đời gắn bó nay đã đô thị hóa. Bên cạnh những hào nhoáng, tiện nghi cũng có nhiều bi hài kịch…
Tiểu thuyết “Chảy qua bóng tối” của nhà văn Đỗ Phấn, NXB Trẻ phát hành tháng 7 năm 2011 phản ánh một vấn đề thời sự đang bức xúc hiện nay.

Xóm Bến vốn là một xóm nghèo ven đô. Nơi đó có gia đình lão Quảng mù sống bằng nghề bẫy chim, gia đình lão Hoạt sinh nhai bằng nghề chài cá và buôn gánh bán bưng, chú Thuận làm nghề giết mổ gia cầm...Rồi Xóm Bến được sát nhập vào thành phố, đất đai có giá cao, những người dân lam lũ phút chốc đổi đời, họ bị cuốn theo lối sống thành thị, con người trở nên toan tính và thực dụng.

Trước hết là gia đình lão Quảng. Nghĩa- đứa con nuôi được lão Quảng đùm bọc từ lúc lọt lòng, từ một đứa trẻ chân chất trở thành kẻ dắt mối cho những cô gái bán thân. Nhàn là cô gái quê được lão Quảng cho ở nhờ nay tụ tập với những cô cave thuê phòng trọ, học đòi lối sống phóng túng. Hai đứa con trai của lão Hoạt kết thúc cuộc đời trong tù tội bởi những vụ đâm chém, tranh chấp địa bàn làm ăn của giới xã hội đen. Vợ của chú Thuận bị điên bởi những cơn ghen bóng gió...

Đọc “Chảy qua bóng tối” người ta nhận ra rằng, phía sau sự phồn hoa do quá trình đô thị hóa mang lại, là tâm trạng lạc lõng của những con người từng gắn bó với mảnh đất mình đang sống: “Cái dấu vết thị dân cuối cùng ở khu phố mới này chỉ còn lại mình lão. Và cũng chỉ mình lão nhận ra điều ấy. Người khác dĩ nhiên không cần. Họ điềm nhiên sống với quyển sổ hộ khẩu có ghi rõ địa chỉ nằm trong một quận nội thành” (trang 276). Những phận người thời đô thị hóa như lão Quảng, lão Hoạt, mang tâm trạng bức bách, hoang mang vì nơi mà họ đang sống phút chốc trở nên xa lạ, nhạt nhẽo tình người. Trong lúc quẩn trí, lão Quảng đã chọn lấy cái chết trên dòng sông gắn với nhiều kỷ niệm. Lão Hoạt lặng lẽ rời bỏ Xóm Bến, ra đi trên chiếc ghe nhỏ_ từng gắn với cuộc sống lam lũ của gia đình lão thuở nghèo hèn...

“Chảy qua bóng tối” có nhiều trang viết hay, diễn tả sâu sắc nội tâm của nhân vật, lột tả được tâm trạng của những người hôm qua còn là dân quê, mà nay đang loay hoay trong cảnh nửa phố nửa quê. Qua hồi ức của lão Quảng, người đọc thấy được Xóm Bến yên bình ngày xưa, nơi có “dòng sông bồi hồi sóng mọn chảy bên nhà”, có “tiếng chim chào mào gọi nhau hoành hoạch trong vườn sắn” và “tiếng trẻ con nháo nhát chạy chơi ngoài ngõ” đã và đang biến mất, nhường chỗ cho cuộc sống hối hả, bon chen, để lại trong lòng nhiều người sự nuối tiếc.

Với lối kể chuyện giàu cảm xúc, Đỗ Phấn tỏ ra thấu hiểu cuộc sống tâm lý của con người thời hội nhập. Mỗi phận người ở Xóm Bến sinh động và cay đắng làm người đọc phải suy ngẫm.

Hà Dương

Chia sẻ bài viết