Những năm qua, nhiều nông dân ÐBSCL đẩy mạnh sản xuất khoai lang, đặc biệt là giống khoai lang tím Nhật để xuất khẩu. Tuy nhiên, khi diện tích khoai lang cứ “nở nồi” mà thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng một cách đồng bộ đã dẫn đến tình trạng rớt giá và nông dân là người chịu thiệt đầu tiên.
Nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở huyện Châu Thành (Ðồng Tháp) lỗ nặng do giá quá thấp.
Giá thấp kỷ lục
Thời điểm này, nhiều hộ trồng khoai lang xuất khẩu ở ÐBSCL đứng ngồi không yên vì giá giảm và khó tiêu thụ. Dọc các xã Phú Long, Hòa Tân, Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp), nhiều cánh đồng khoai lang xuất khẩu bạt ngàn nhưng vắng người mua. Ông Nguyễn Văn Huynh, Chủ nhiệm Hội quán Ðồng Tân, xã Phú Long, huyện Châu Thành, thở dài: “Trước Tết Nguyên đán 2021, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua xuất sang Trung Quốc dao động khoảng 1 triệu đồng/tạ (60kg), nông dân lời đậm. Tuy nhiên, sau Tết không hiểu sao giá khoai lang tím Nhật giảm xuống mức 600.000 đồng/tạ, rồi 400.000 đồng/tạ… Ðến cuối tháng 4-2021, còn khoảng hơn 200.000 đồng/tạ và mấy ngày nay chỉ còn 50.000-60.000 đồng/tạ. Với giá hiện tại, hàng loạt hộ trồng khoai lang xuất khẩu lỗ nặng”.
Giá giảm mạnh, khoai lang tiêu thụ chậm, hàng loạt ruộng khoai tới kỳ thu hoạch nhưng rất khó kêu bán. Ông Ngô Văn Mười ở xã Phú Long, than: “Vụ này tôi trồng khoảng 20 công khoai lang xuất khẩu, tổng chi phí đầu tư gần 300 triệu đồng. Tôi rất lo vì giá khoai quá thấp và khó bán”. Theo ông Nguyễn Văn Huynh, thống kê mới đây cho thấy chỉ riêng ở xã Phú Long còn khoảng 200ha khoai lang chưa bán được, trong khi cần phải thu hoạch dứt điểm vài tuần nữa để kịp gieo sạ lúa thu đông.
Tại xã Hòa Tân, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Út Em, hàng chục năm trồng khoai lang, ngán ngẩm than: “Vụ khoai lang năm 2021 này, gia đình tôi sản xuất 15 công. Ðến thời điểm này chỉ mới bán được 8 công với giá khoảng 40.000 đồng/tạ. Với tình hình này, nông dân trồng khoai ôm nợ...”.
Dọc theo tuyến kênh thủy lợi ở xã Hòa Tân, chúng tôi tìm đến ruộng khoai lang tím Nhật 15 công của ông Nguyễn Văn Á. Ông Á cho hay, ruộng khoai này đã quá 5 tháng rồi, những ngày qua cả nhà cố chạy tìm thương lái thu mua, vậy mà mới bán được 10 công, giá chỉ 47.000 đồng/tạ; 5 công còn lại dù chấp nhận lỗ nặng nhưng vẫn chưa bán được. “Hàng chục năm trồng khoai lang xuất khẩu, cũng từng trải qua tình cảnh “được mùa, mất giá”, nhưng đây là năm thê thảm nhất…” - ông Á thở dài.
Không khí ở “vương quốc khoai lang Bình Tân” tỉnh Vĩnh Long, cũng rất ảm đạm. Ông Lê Văn Ðắng ở xã Thành Trung, ngao ngán: “Bình quân mỗi công khoai lang xuất khẩu, nông dân đổ vốn đầu tư khoảng 15 triệu đồng, riêng đất mướn, vốn sẽ tăng thêm. Với tình hình hiện tại, hầu như 100% hộ trồng khoai đều lỗ nặng; có hộ thu hoạch xong chỉ còn đủ tiền để trả nhân công, vốn đầu tư xem như lỗ đứt”.
Tìm hướng liên kết tiêu thụ
Toàn huyện Châu Thành mỗi năm sản xuất khoảng 3.400ha khoai lang, nhiều nhất tỉnh Ðồng Tháp. Tuy nhiên, hiện tại giá khoai quá thấp đã đẩy nhiều hộ vào cảnh khốn đốn. Ông Phạm Tấn Xiếu, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho rằng, khoai lang rớt giá do ảnh hưởng việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, bởi những tác động từ dịch COVID-19. Những ngày qua, huyện nỗ lực liên lạc với ngành chức năng của tỉnh, với doanh nghiệp… hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Về lâu dài, huyện vận động nông dân vào Hợp tác xã (HTX) nhằm sản xuất liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ. Song song đó, kêu gọi doanh nghiệp gia tăng chế biến nhiều sản phẩm từ khoai lang, giảm áp lực xuất thô.
Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX Khoai lang Thanh Ngọc, tỉnh Vĩnh Long, nhận định: “Nhiều năm nay, Vĩnh Long được xem là thủ phủ khoai lang của ÐBSCL với diện tích khoảng 13.000-15.000ha mỗi năm; trong đó huyện Bình Tân đóng vai trò chủ lực. Thực tế cho thấy, những năm được mùa, được giá thì khoai lang xuất khẩu đã giúp rất nhiều hộ nông dân có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, việc phát triển nghề trồng khoai còn kéo theo giải quyết việc làm cho nhiều lao động như cuốc khoai, trồng khoai, chăm sóc, thu hoạch… Mặt được là vậy, tuy nhiên hạn chế tồn tại lâu nay vẫn là khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng ùn ứ khi vào giai đoạn thu hoạch rộ. Ðặc biệt là diện tích khoai lang xuất khẩu được mở rộng nhiều nơi, nhưng chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc nên dễ gặp rủi ro”.
Cũng theo ông Luận, vài tháng nay, thị trường Trung Quốc giảm mạnh tiêu thụ khoai tím Nhật của ÐBSCL; trong khi việc xuất khẩu sang thị trường này cũng gặp nhiều trở ngại về thủ tục và các vấn đề khác. Do đó, một khi thị trường Trung Quốc giảm “ăn hàng” thì giá khoai lang sụt giảm là khó tránh khỏi. Ông Luận cho rằng nhiều năm “trong nghề” nên HTX luôn lường trước những trở ngại trong tiêu thụ. Vì vậy, thời gian qua, HTX nỗ lực tìm thêm thị trường xuất khẩu khoai lang sang Malaysia, Indonesia, Hồng Công… nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Bước đầu cũng đã xuất được sang những thị trường mới, nhưng số lượng chưa nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tỉnh quy hoạch vùng trồng khoai lang dựa trên nhu cầu thị trường tiêu thụ. Quan điểm chung là không khuyến khích độc canh khoai lang liên tục mà áp dụng luân canh, xây dựng lịch thời vụ phù hợp, tránh việc thu hoạch quá nhiều cùng thời điểm, sẽ dễ bị rớt giá. Chuyển dần từ sản xuất tự phát, cá thể, sang mô hình HTX để dễ quản lý, đầu tư, tiêu thụ… Mặt khác, Vĩnh Long khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến khoai lang, nhằm phát triển bền vững.
Tỉnh Vĩnh Long cũng kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ việc dự báo thị trường tiêu thụ ở các nước, nhất là Trung Quốc để địa phương cân đối sản xuất. Hỗ trợ xúc tiến tìm những thị trường mới, tăng cường đầu tư kho chứa để tồn trữ, bảo quản khoai lang, giúp nông dân an tâm sản xuất…
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, qua thống kê cho thấy khoai lang của Việt Nam chiếm khoảng 1,2% về sản lượng khoai lang trên thế giới; xuất khẩu chiếm 0,7% trên thế giới. Hiện các thị trường như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Canada, Anh, Malaysia, Indonesia, Singapore… có nhu cầu nhập khẩu khoai lang khá lớn. Vấn đề là các địa phương cần tập trung nhiều hơn cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm khoai lang, mở rộng thị trường… Song song đó, cần xây dựng thương hiệu khoai lang để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, tăng giá trị và lợi nhuận…
Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH