14/11/2009 - 08:13

Gỡ gạc phiền phức!

Thủ tướng Berlusconi (với hình ảnh phu nhân Veronica Lario) xuất hiện trên truyền hình hồi tháng 5 năm nay, phản đối thông tin cho rằng ông có quan hệ tình ái lăng nhăng với một cô gái 18 tuổi. Ảnh: EPA 

Trong hai ngày 11 và 12-11, các đồng minh của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đã đưa ra hai kiến nghị gây tranh cãi trước Quốc hội, được cho là nhằm giúp ông thoát khỏi những phiền phức pháp lý. Đề xuất đầu tiên là kêu gọi thay đổi Hiến pháp, theo đó khôi phục quyền miễn truy tố đối với tất cả các nghị sĩ ở hai viện quốc hội, trong đó có cả thủ tướng, như họ từng được hưởng giai đoạn trước năm 1993. Đề xuất thứ hai là dự luật giới hạn thời gian xét xử của tòa án. Các nhà phân tích cho rằng việc yêu cầu thay đổi Hiến pháp theo đề xuất đầu tiên khó được thông qua, vì cần phải có 2/3 số phiếu thuận ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Italia, nơi phe đối lập cánh tả đủ sức ngăn cản. Trong khi đó, đề xuất thứ hai về dự luật giới hạn thời gian xét xử của tòa án thì chỉ cần đa số phiếu ủng hộ ở Quốc hội là đã được chấp thuận. Việc này xem ra dễ dàng hơn vì liên minh do đảng Tự do Nhân dân của ông Berlusconi dẫn đầu đang kiểm soát Quốc hội Italia.

Nếu dự luật trên được thông qua, các vụ xét xử kéo dài quá 6 năm mà chưa có phán quyết sẽ tự động kết thúc. Tức là thời hạn để đưa ra bản án cuối cùng là 6 năm, kể từ phán quyết đầu tiên và qua 2 lần kháng cáo. Các nghị sĩ ủng hộ ông Berlusconi cho rằng dự luật sẽ thúc đẩy cải thiện hiệu quả hệ thống tư pháp vốn nổi tiếng chậm chạp của Italia khi diễn ra ở 3 cấp: sơ thẩm, phúc thẩm và thượng thẩm, một tiến trình có thể mất hơn 10 năm. Dự luật mới không áp dụng đối với các bị can có tiền án, tiền sự, các tội xâm phạm trẻ em và tù giam trên 10 năm như giết người, tội phạm có tổ chức. Dự luật mới quy định giới hạn 2 năm xét xử ở mỗi cấp tòa án, có nghĩa là nếu dự luật này được thông qua, hai cáo trạng hình sự mà ông Berlusconi đang đối mặt sẽ tự động bị xếp xó.

Thủ tướng Italia bị buộc tội tham nhũng và gian lận thuế trong phiên tòa đầu tiên diễn ra tháng 11-2006. Các công tố viên cho rằng hồi đầu thập niên này, tập đoàn truyền thông Mediaset SpA do gia đình ông Berlusconi kiểm soát đã nâng giá mua bản quyền truyền hình trong bảng kê khai thuế để đóng thuế thấp hơn. Trước khi bị hoãn xét xử năm 2008, các luật sư của Thủ tướng Berlusconi cho rằng không thể buộc tội lạm quyền đối với thân chủ của họ vì ông Berlusconi không có chân trong ban quản trị của Mediaset hay Fininvest, công ty “mẹ” của Mediaset. Sau khi bước vào chính trường năm 1994, ông Berlusconi đã giao quyền quản lý Mediaset cho người thân. Vụ này dự kiến sẽ được nối lại xét xử vào ngày 16-11 tới.

Bên cạnh các cáo buộc trên, Thủ tướng Berlusconi còn đang bị vợ mình là bà Veronica Lario kiện đòi ly hôn, vì cho rằng ông có nhiều “bồ nhí” và vô trách nhiệm với gia đình. Liệu các đề xuất và dự luật mà những người ủng hộ ông Berlusconi đưa ra có gỡ gạc được phần nào những phiền phức pháp lý mà vị thủ tướng lắm tài nhiều tật này đang vướng vào hay không? Hãy chờ xem.

N.MINH (Theo Guardian, WSJ, AFP)

N.MINH (Theo Guardian, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết