09/03/2008 - 21:16

Giúp người nghèo chống đỡ với “bão giá”

Giá các loại thủy sản tăng cao, người dân đắn đo trước khi mua (ảnh chụp tại chợ Xuân Khánh). Ảnh: H.V

Cuối tháng 2-2008 giá xăng dầu tăng kéo theo nhiều loại hàng hóa khác tăng giá, nhất là giá lương thực, thực phẩm. “Cơn bão giá” ngày càng mạnh đã khiến cho cuộc sống người dân càng lao đao, đặc biệt là những người nghèo sống bằng nghề làm thuê, làm mướn...

*NGƯỜI NGHÈO BÓP BỤNG

Chị Trương Ngọc Mỹ (ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều) làm nghề may vá, sửa quần áo cũ trên đường Mậu Thân, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, nói: “Vợ chồng tôi sửa quần áo cũ mỗi ngày kiếm được khoảng 80.000 đồng. Với giá cả như hiện nay thì ngần ấy tiền chi tiêu trong gia đình không đủ. Trước đây, trung bình mỗi lần đi chợ, tôi mua gạo, cá, rau... cho 2 bữa ăn trong ngày khoảng 40.000 đồng, nhưng giờ đây cũng lượng thức ăn như thế, tôi phải tốn thêm khoảng 10.000 đồng nữa. Hiện nay, các loại rau, cải đều tăng giá từ 500 đến 1.000 đồng/kg, còn cá thì tăng 1.000 - 5.000 đồng/kg, thịt heo tăng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức hàng hóa tăng giá như hiện nay, nếu vợ chồng tôi không tăng sức lao động hoặc bị giảm lượng quần áo đem đến sửa chữa thì chắc chắn gặp thêm khó khăn”.

Gia đình chị Mỹ có 5 nhân khẩu, thuộc diện hộ nghèo của phường An Khánh. Do cuộc sống khó khăn, chồng lại bị bệnh tim nên gần đây đứa con lớn của chị phải nghỉ học đi làm hồ để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đứa con nhỏ còn đi học nhưng cũng đòi nghỉ học để phụ mẹ. Chị Mỹ nói: “Hai đứa lớn nghỉ học, vợ chồng tôi đau lòng lắm. Để cho con ăn học trước cơn “bão giá”, vợ chồng tôi tiêu xài ít lại. Ví dụ như lúc trước ăn sáng là ổ bánh mì thì bây giờ thay thế là xôi, nhưng một gói xôi cũng hết 3.000 đồng, tăng 1.000 đồng so với mấy tháng trước. Biết làm sao!...”.

Anh Hùng, chạy xe ôm ở chợ An Nghiệp, cho biết: “Giá xăng tăng cao nhưng tụi tui thì chưa tăng giá xe được vì người ta không đi. Tôi phải chạy xe ôm thêm cả ban đêm, đến 23 giờ mới nghỉ. Vợ tôi bán vé số lời mỗi ngày vài chục ngàn đồng nhưng nếu bị bệnh, không đủ tiền uống thuốc. Ba đứa con đi học mỗi ngày 1 đứa cũng hết 5.000 đồng ăn sáng. Mấy tháng trước, tụi nhỏ đi học chỉ cần 2.000 đồng là mua được ổ bánh mì thịt, còn bây giờ người ta không bán với giá đó nữa”.

Trước cơn “bão giá”, khó khăn nhất là người dân nghèo ở vùng nông thôn, những người sống chủ yếu bằng nghề làm thuê, làm mướn. Chị Hai Mẹo ở xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt, ngao ngán nói: “Hai vợ chồng tôi cắt lúa thuê mỗi ngày 1 công đất (1.000m2) được trả công từ 80.000 đến 100.000 đồng, tùy theo lúa đứng hay lúa ngã. So với vụ lúa đông xuân năm ngoái, giá nhân công cắt lúa không tăng, trong khi đó hàng hóa tiêu dùng đều tăng. Ví dụ như 1 bộ quần áo cho con đi học lúc trước Tết chỉ 50.000 đồng, bây giờ lên 60.000 - 65.000 đồng, một ký cá rô phi từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng. Với giá cả như thế này người nghèo như chúng tôi đã khó càng thêm khó. Chúng tôi rất mong Nhà nước có cách gì kiềm hãm giá và hỗ trợ người nghèo để chúng tôi thoát nghèo, vượt qua cơn bão giá”.

*NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Trước cơn “bão giá” như hiện nay, người nghèo phải tự điều chỉnh mức sống của mình cho phù hợp như: Tăng cường lao động ngoài giờ, hạn chế những khoản chi tiêu không cần thiết, nỗ lực học nghề nhằm tạo công ăn việc làm ổn định, xây dựng mối đoàn kết hỗ trợ sản xuất, kinh doanh... để cùng nhau thoát nghèo, vượt qua cơn bão giá.

Chị Trương Ngọc Mỹ ở phường An Khánh, nói: “Gia đình tôi hiện vay vốn hỗ trợ làm ăn của Hội người cao tuổi phường được 2 triệu đồng để mua máy may sửa quần áo cũ. Nhờ đồng vốn này, vợ chồng tôi mỗi người có 1 cái máy may cùng sửa quần áo cũ, kiếm thêm tiền chi tiêu trong gia đình, tạm sống được trong cơn bão giá như hiện nay. Tôi cố gắng dành dụm để trả nợ vay theo qui định”.

Dì Nguyễn Thị Út là gia đình khó khăn ở xã Trường Xuân A, huyện Cờ Đỏ, được Hội Phụ nữ xã lập dự án cho vay nuôi trồng thủy sản. Dì Út cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi vay được 2 triệu đồng để nuôi cá. Thấy làm ăn có hiệu quả, Hội phụ nữ xã tín chấp để Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho tôi vay lên 8 triệu đồng. Nhờ đồng vốn này nuôi cá mỗi năm bán được 2 lần, lời cũng được khoảng 5 triệu đồng/năm, gia đình tôi cũng bớt khó khăn”. Mới đây, gia đình dì Út bắt đầu thả thêm cá giống, dự kiến cho thu hoạch vào cuối năm nay. Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng, ở xã Trường Xuân A, cũng là một trong những phụ nữ thoát nghèo nhờ đồng vay được hỗ trợ vốn chăn nuôi heo. Chị Hằng nói: “Gia đình có ít ruộng, nhờ đồng vốn vay xóa đói giảm nghèo nên tôi nuôi heo, bán mỗi năm cũng được 10 con, lời cũng được vài triệu đồng. Năm nay, heo có giá, tôi xin vay thêm vốn để mở rộng chăn nuôi, chứ giá cả có leo thang nhưng gia đình tui cũng bớt lo”.

Nhờ sự quan tâm của các ngành, các cấp, nhiều hộ nghèo trên địa bàn TP Cần Thơ đã nỗ lực sản xuất, lao động để giảm bớt khó khăn trong “cơn bão giá”. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, năm 2007, thành phố đã cấp 92.028 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, với tổng kinh phí 5,416 tỉ đồng, xây dựng 314 căn nhà tình thương cho hộ nghèo (đạt trên 104% kế hoạch năm), hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ 2.383 hộ thoát nghèo...

*ĐỂ THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Để hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, thời gian qua các ngành chức năng thành phố chủ động xây dựng chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2020, trong đó tập trung thực hiện các mô hình hỗ trợ về dạy nghề, hướng dẫn cách thức sản xuất, cho vay vốn hộ nghèo theo hình thức tín chấp, tạo điều kiện vững chắc cho hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trong những năm qua, các quận, huyện cử cán bộ theo dõi và đánh giá từng hoàn cảnh gia đình để hỗ trợ thoát nghèo. Công tác này được ban ngành, đoàn thể cấp quận, huyện, xã đảm nhận và xây dựng dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi cho từng gia đình.

Ông Nguyễn Hùng Chinh, Phó trưởng Phòng Nội vụ, Thương binh Xã hội huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm bớt khó khăn, đặc biệt đối phó với “cơn bão giá” hiện nay, huyện xác định 2 nhiệm vụ chính cần làm: Một là, hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ. Hai là giới thiệu, giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Những năm qua, hầu hết những công tác này đều có hiệu quả, một số gia đình đã thoát nghèo”. Cũng theo Phòng Nội vụ, Thương binh Xã hội huyện Cờ Đỏ, trong 2 năm qua (2006, 2007), huyện đã giới thiệu, hỗ trợ gần 200 trường hợp xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Hầu hết lực lượng lao động này có thu nhập khá cao, góp phần giải quyết khó khăn cho gia đình.

Riêng, đối với biện pháp hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho hộ nghèo sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ... các ban ngành, đoàn thể ở phường, xã, thị trấn và huyện rà soát, kiểm tra, nắm sát tình hình thực tế, khả năng phát triển kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi của từng hộ gia đình. Từ đó, các ban ngành đoàn thể thống kê những gia đình có cùng nhu cầu, khả năng phát triển kinh tế cùng chung lĩnh vực để xây dựng dự án đầu tư vốn và triển khai kỹ thuật sản xuất, phương án kinh doanh. Đặc biệt, dự án phát triển kinh tế, thoát nghèo do từng đơn vị chức năng ở xã, huyện xây dựng và liên hệ với ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương để được hỗ trợ vốn.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, đến cuối năm 2007, thành phố có khoảng 20.100 hộ gia đình thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 8,4%. Con số này còn ở mức khá cao trong số các thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cũng đang thực hiện kế hoạch dạy nghề cho người nghèo trong độ tuổi lao động từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2008. Sở cũng đang xây dựng kế hoạch đề nghị UBND thành phố trích tối thiểu 1% tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương phục vụ chương trình giảm nghèo của địa phương theo Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị UBND thành phố bổ sung nguồn vốn hàng năm là 3 tỉ đồng cho người nghèo vay giải quyết việc làm... Bà Nguyễn Ngọc Sương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, cho biết: “Khi kế hoạch này được xây dựng hoàn chỉnh và được UBND TP Cần Thơ thông qua thì người nghèo có thêm cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhưng, cơ hội này chỉ đến với những người chí thú làm ăn, biết vượt qua khó khăn...”.

Giá cả leo thang như hiện nay, cuộc sống người nghèo vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn. Người dân nghèo đang cần sự hỗ trợ của các ngành, các cấp thông qua các chương trình xóa đói, giảm nghèo như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề... Những kế hoạch nêu trên chắc chắn sẽ góp phần nâng cao mức sống của người dân, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.

• HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết