Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân. PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia và PGS.TS Tâm lý học Phạm Mạnh Hà vừa có chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề Giúp bạn sống khỏe mỗi ngày đã chỉ ra những thói quen gây hại sức khỏe, đồng thời khuyến cáo nhiều thông tin hữu ích để mọi người nâng cao thể trạng, giải tỏa áp lực, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cô Mười (ở quận Bình Thủy) đều đặn tập thể dục tại nhà mỗi ngày để nâng cao sức khỏe trong mùa dịch.
Theo các chuyên gia, việc ăn uống, nghỉ ngơi không điều độ là nguyên nhân chính ảnh hưởng sức khỏe, gia tăng căng thẳng tinh thần. Thường xuyên ở nhà giai đoạn giãn cách, một số người không thể ngừng suy nghĩ đến thức ăn, không kiềm chế được cơn thèm ăn. PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho biết, đây là một trong những biểu hiện của rối loạn tâm lý. Cơ thể sản sinh ra hoóc-môn chống đỡ lại sự lo lắng, ám ảnh đang có bằng việc ăn uống, giúp giảm lo lắng nhất thời. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến béo phì và nhiều căn bệnh khác.
Ở khía cạnh khác của việc ăn không biết no, theo PGS.TS Lê Bạch Mai, triệu chứng này có thể liên quan đến tổn thương trung tâm no ở não. Người bệnh cần được hỗ trợ để vượt qua bản năng. Nhiều người lo lắng vì tình trạng tăng cân nhanh chóng trong mùa dịch đã sử dụng các sản phẩm được quảng cáo có hiệu quả giảm cân tốt. Thời gian đầu, cân nặng giảm nhiều, nhưng lại bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần, chán ăn, mệt mỏi. PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết, hiện nay tỷ lệ người thừa cân, béo phì gia tăng cả ở thành phố và nông thôn, do sự mất cân bằng trong chế độ ăn. Nhiều người tìm đến thuốc giảm cân, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng sức khỏe. Giải pháp giảm cân hiệu quả nhất không phải bằng thuốc mà chính là kiểm soát chế độ ăn cân bằng, hợp lý.
Một số người có hệ miễn dịch yếu, không hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng từ thực phẩm, muốn nâng cao thể trạng bằng thực phẩm chức năng. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, có thể sử dụng thực phẩm chức năng để bù đắp cho sự thiếu hụt dinh dưỡng của cơ thể. Như người không ăn được thủy hải sản nhiều, có thể bổ sung dưỡng chất thông qua sản phẩm chứa Omega-3, DHA trên thị trường. Tuy nhiên, người dùng cần biết rõ cơ thể thiếu hụt mức độ nào để chọn hàm lượng bổ sung phù hợp. Việc bổ sung đầy đủ những nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều người thường xuyên thức khuya, dậy muộn. Mặc dù ngủ đủ giờ, nhưng họ vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, chán chường. Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, giấc ngủ rất quan trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu người không làm việc theo ca kíp ban đêm thì nên chủ động thu xếp giờ ngủ theo nhịp sinh học của cơ thể. Nên ngủ sớm trước 22 giờ và dậy sớm từ 5 giờ sáng. Mỗi ngày nên ngủ ít nhất 6-7 giờ. Buổi trưa nên ngủ giấc ngủ ngắn hoặc nghỉ 30 phút để thả lỏng. Phòng ngủ cần được vệ sinh sạch sẽ, đủ thoáng mát, yên tĩnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất thế giới và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật. Ở Việt Nam, nghiên cứu của Viện sức khỏe tâm thần, có khoảng 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trầm cảm là căn bệnh “giết người không dao”, với tỷ lệ tự sát ngày càng nhiều và tập trung ở người trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Một bệnh nhân chia sẻ, gần đây, do công việc không tốt nên anh thường xuyên bị căng thẳng mệt mỏi, đôi lúc mất kiềm chế, cãi nhau với người thân, hay suy nghĩ lung tung, buồn khổ. Bệnh nhân còn đau đầu, ăn không ngon miệng. PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, đó là những dấu hiệu bệnh nhân đang bị stress và lo âu. Người có những triệu chứng này kéo dài, cần được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần hay chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, chính người bệnh cần tự giúp mình chống lại những lo âu, cẳng thẳng. Ðó chính là lối sống tích cực, cân bằng cảm xúc, kết nối, chia sẻ tình cảm với những người thân yêu, bạn bè, thực hành những thói quen giúp bản thân có thể khuây khỏa tinh thần như đọc sách, nghe nhạc, tập thiền, làm vườn,…
Theo các chuyên gia, cơ thể khỏe mạnh là sự kết hợp hài hòa giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, một trong những bí quyết giúp đời sống tinh thần khỏe mạnh hơn đó là tăng cường chia sẻ tình yêu thương với những người xung quanh, sẽ giúp tâm trí vui vẻ, an lành.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG