04/04/2009 - 07:58

Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội, hội tụ bản sắc văn hóa Việt Nam

Tiếng trống đồng vang lên, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã đến. Người dân Việt Nam ở khắp mọi miền đất nước và kiều bào ở nước ngoài đều hướng về Đền Hùng, hướng về cội nguồn dân tộc, nơi hội tụ bản sắc văn hóa đất Việt từ quá khứ đến hiện tại.

Giỗ Tổ Hùng Vương 2009 chính thức diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10-3 âm lịch, gắn với chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái và Chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” . Không gian lễ hội năm nay được trải rộng, tiêu điểm là Khu di tích lịch sử đền Hùng, Trung tâm TP Việt Trì, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và nhiều nơi trên cả nước có đền thờ vọng Quốc tổ Hùng Vương.

Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), Chương trình lễ dâng hương sẽ được tổ chức vào ngày 10-3 âm lịch, có sự tham gia của đại điện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBMTTQ Việt Nam, đoàn Việt kiều, đoàn 100 con Lạc - cháu Hồng, đoàn đại biểu mặc trang phục lễ, đoàn kiệu lễ vật, đội tiêu binh rước quốc kỳ cùng đông đảo đồng bào, du khách hòa trong âm hưởng vang vọng và linh thiêng của nhạc lễ và nghi thức dành riêng cho Giỗ Tổ Hùng Vương.

Phần hội tại TP Việt Trì và Đền Hùng diễn ra các hoạt động văn hóa dân gian đậm nét truyền thống như: hát Xoan, rước kiệu, trò diễn bách nghệ khôi hài, múa rồng, lân, sư tử... Hội thi giã bánh dầy, gói bánh chưng của các tỉnh, thành. Năm nay, ngoài “chủ nhà” Phú Thọ, các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Đà Nẵng và Vĩnh Phúc cũng tham dự lễ hội với nhiều hoạt động đặc sắc và phong phú: Giới thiệu sản phẩm làng nghề, văn hóa ẩm thực, trưng bày hoa thơm trái ngọt các tỉnh, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày. Công ty Mai Linh sẽ cung tiến chiếc bánh chưng khổng lồ chất lượng cao, được xếp từ 6.000 chiếc bánh chưng nhỏ. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra sôi động như: Hội trại văn hóa và Liên hoan đàn hát dân ca với nhiều chủ đề, nhiều tiết mục văn hóa dân gian độc đáo đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ; diễn tấu trống đồng, cồng chiêng và diễn xướng dân gian của các nghệ nhân, diễn viên dân tộc Mường, Dao... Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc và hấp dẫn với sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như: Đoàn nghệ thuật Hwaseong (Hàn Quốc), Đoàn Nghệ thuật Chèo Phú Thọ, Triển lãm ảnh nghệ thuật của 15 tỉnh miền núi phía Bắc. Trưng bày triển lãm sách “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng”; Chiếu phim nhựa chủ đề “Về cội nguồn dân tộc”... Cùng với đó, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức trong suốt thời gian lễ hội như: Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương, thi bơi trải trên sông Lô, thi đấu cờ tướng, cờ người, giải vô địch bóng chuyền Nam tỉnh Phú Thọ mở rộng, quần vợt hữu nghị Hùng Vương... Đặc biệt, đêm 9-3 âm lịch đồng bào và du khách cùng thưởng thức màn trình diễn pháo hoa tưng bừng, độc đáo, đa sắc màu tại TP Việt Trì.

Tại TP Hồ Chí Minh, cũng trong sáng ngày 10-3 âm lịch, Thành ủy, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu Tưởng niệm các Vua Hùng trong Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, phường Long Bình, quận 9. Chương trình gồm: Lễ Khánh thành Khu Tưởng niệm các Vua Hùng; khai mạc Lễ hội và nghi thức tiếp nhận trống đồng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng; Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu-2009; Triển lãm chuyên đề “Thời đại Hùng Vương và Văn hóa Đông Sơn”, Triển lãm đặc trưng văn hóa cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam, trưng bày hình ảnh giới thiệu quá trình hình thành và phát triển đến năm 2020 của Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc; các trò chơi dân gian các dân tộc, trò chơi vận động, biểu diễn cờ người, trống trận, biểu diễn nghệ thuật truyền thống... và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, đa sắc màu với sự hội tụ của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Trong dịp này, Ngày hội du lịch năm 2009 được tổ chức với 44 đơn vị, 100 gian hàng tham gia. Tại đây, 5.000 chiếc bánh chưng sẽ được nấu và phát cùng những món lộc tổ Hùng Vương cho người dân trong Ngày hội tại sân khấu Ngôi Sao trong khuôn viên công viên văn hóa Đầm Sen vào ngày 4-4. Bên cạnh đó là Liên hoan ẩm thực các vùng miền, giọng hát vàng ngành du lịch, triển lãm ảnh đẹp du lịch, chương trình giới thiệu nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với diễn giả GS Trần Văn Khê...

Cùng thời gian này, tỉnh Lâm Đồng và nhiều địa phương trong cả nước có đền thờ Vọng các Vua Hùng tổ chức lễ dâng hương, dâng bánh chưng, bánh dầy và nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng, trò chơi dân gian, nghệ thuật chuyên nghiệp, thể dục thể thao gắn với các tour du lịch về cội nguồn.

Lễ hội Đền Hùng.  

Toàn cảnh Đền Quốc tổ Lạc Long Quân. Ảnh: NGUYỄN SẢN (Báo Phú Thọ) 

Trẩy hội Đền Hùng năm nay, đồng bào và du khách được đón tiếp ân cần, chu đáo. Từ các ngả đường, lực lượng công an và thanh niên tình nguyện dẫn đường theo lộ trình hợp lý; nhiều bãi đỗ xe đã được xây mới và nâng cấp; hệ thống biển, bảng chỉ đường, công trình vệ sinh công cộng đảm bảo cho đồng bào về dự hội an tâm, thoải mái. Tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), các hàng quán được quy hoạch gọn gàng, mỹ quan và có bảng niêm yết giá. Khu trung tâm dịch vụ hoạt động cả ngày lẫn đêm, chuyển khách bằng xe điện, hướng dẫn khách tham quan, du lịch. Kinh doanh dịch vụ ăn uống với hai nhà ăn, cùng lúc phục vụ tới gần 1.000 khách; bán hàng lưu niệm, với trách nhiệm làm gương cho các hàng quán tư nhân. Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nhà trọ đáp ứng nhu cầu du khách.

Về Đền Hùng, lần theo 539 bậc đá thăm viếng Đền Hạ-nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, nghĩa “đồng bào” bắt nguồn từ đây; Đền Trung nơi Vua Hùng họp bàn việc nước, tại đây Vua Hùng thứ sáu truyền ngôi cho Lang Liêu-người sáng tạo bánh chưng, bánh dầy; Đền Thượng nơi Vua Hùng tế trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu muôn dân ấm no hạnh phúc; Lăng Hùng Vương-nơi các thế hệ con cháu Lạc Hồng kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng nhớ ơn vị Vua đã từng căn dặn “Hãy chôn ta trên núi Cả để đứng trên núi cao ta còn trông coi bờ cõi cho con cháu”; Đền Giếng nơi thờ hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, tại đây Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Về đây để chứng kiến những công trình mới: Đền Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, Đền Quốc Tổ Lạc Long Quân mới khánh thành, Sân trung tâm hành lễ mới xây dựng với không gian rộng lớn (dài 250m, rộng 160m), đường lên sân trước cổng đền được lát đá xanh, hai bên là 18 cây chò nâu và hệ thống cây xanh, thảm cỏ, kiốt mang dáng dấp thời đại Hùng Vương...

Về đất Tổ để chứng kiến những di vật quý giá từ thuở bình minh của đất nước được lưu giữ trong Bảo tàng Hùng Vương; thăm lại vùng đất cổ như: Minh Nông-nơi Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Thượng Lâu-nơi Vua Hùng dạy dân trồng dâu nuôi tằm, Tiên Cát-nơi Vua Hùng dựng lầu kén rể, Cẩm Đội-nơi Vua Hùng luyện quân, Thậm Thình-nơi Vua Hùng cùng dân giã gạo, Hùng Lô, Kim Đức - nơi Vua Hùng nghe câu Xoan, Ghẹo. Về Đền Hùng nghe chuyện cười Văn Lang và thơ Bút Tre dí dỏm chân tình; hồi tưởng và thả hồn mình vào những huyền thoại, truyền thuyết xôn xao trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc như: truyền thuyết cha Rồng - mẹ Tiên, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tản Viên đón vợ, bánh chưng - bánh dầy, sự tích trầu cau, Phù Đổng thiên Vương...; những huyền thoại ẩn chứa niềm khát khao về sự phồn thịnh, tình yêu, hạnh phúc và cái đẹp chân thiện.

Tới Đền Hùng để tận hưởng không khí trong lành, ấm áp của môi trường sinh thái lý tưởng trong không gian 538 ha rừng quốc gia Đền Hùng với những vườn cây xanh ngút ngàn, sinh động. Ở đây con người được hòa quyện thiên nhiên với đủ các yếu tố của phong thủy, là nơi “Sơn chầu thủy tụ”, dồi dào khí thiêng sông núi”: từ Đền Hùng nhìn ra phía trước là ngã ba Bạch Hạc, xa xa là sông Thao, sông Đà, sông Lô, Tam Đảo, Ba Vì tạo nên thế vững chãi như kiềng ba chân. Từ đỉnh Nghĩa Lĩnh sừng sững công cha, dạt dào nghĩa mẹ phóng tầm mắt ra bốn phương trời để thấy vị thế của Đền Hùng để: “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng - nơi cội nguồn dân tộc”.

Hàng triệu đồng bào mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hành hương về cội nguồn, hướng về ngày Giỗ Tổ- thời khắc hội tụ và thăng hoa những giá trị văn hóa bất diệt của dân tộc để thành kính tri ân công đức Tổ Tiên, cùng xin cúi nguyện “Giữ muôn đời Hồng Lạc tinh hoa, cao muôn trượng Hùng Vương khí thế!”.

NGUYỄN HUY HOÀNG
Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chia sẻ bài viết