17/08/2021 - 12:23

Giáo dục ĐBSCL vượt khó chuẩn bị năm học mới 

Trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học (GDTH) do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) vừa tổ chức trực tuyến, đại diện lãnh đạo ngành Giáo dục các tỉnh, thành ÐBSCL kiến nghị tăng cường đầu tư nguồn lực, có hướng dẫn cụ thể định mức, chế độ làm việc cho giáo viên trung học… Từ đó tạo đà vượt khó thực hiện thành công nhiệm vụ năm học mới.

Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ) dạy học trực tuyến. 

Nỗ lực chung

Bộ GD&ÐT đánh giá năm học 2020-2021 tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng ngành Giáo dục cả nước nói chung, ÐBSCL nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ GDTH năm học. Nhiều tỉnh, thành đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học 2020-2021, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học... Các cơ sở giáo dục đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình... phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. Việc triển khai Chương trình GDPT mới lớp 6 năm học 2021-2022 được lãnh đạo các địa phương tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực thỏa đáng.

Ðơn cử như ngành Giáo dục TP Cần Thơ đã chuẩn bị 2.104 giáo viên dạy lớp 6 phục vụ việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới. Hầu hết các cơ sở GDPT trên địa bàn cơ bản đảm bảo đủ các phòng học, phòng chức năng, đáp ứng việc tổ chức dạy - học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học; tỷ lệ phòng học/lớp THCS và THPT
đạt 0,72.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, năm học qua, tận dụng tối đa thời gian vàng lúc dịch bệnh không bùng phát, ngành đã triển khai các kế hoạch giáo dục cốt lõi. Qua đó, giữ vững chất lượng giáo dục đại trà, phát huy chất lượng giáo dục mũi nhọn. Ðặc biệt, thành phố có học sinh đạt Huy chương vàng Olympic quốc tế môn Sinh học. Ngành Giáo dục thành phố đã xây dựng kịch bản, nội dung giáo dục ứng phó tình hình dịch bệnh, đặc biệt là chuẩn bị dạy học trực tuyến và trực tiếp. “Ðiều này thể hiện qua công tác ôn tập chuẩn bị cho học sinh lớp 12 thi tốt nhiệp THPT 2021. Thành phố cũng kịp thời đánh giá cách thức tổ chức dạy và học, thi trực tuyến… để có những điều chỉnh đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh cũng như giữ vững chất lượng giáo dục. Ðây là kinh nghiệm quý của ngành”, ông Tăng nói.

Theo ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ năm học qua và chuẩn bị cơ bản cho năm học mới. Sở chủ động xây dựng kế hoạch năm học; hoàn tất công tác tuyển sinh vào lớp 10. Ðể chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới, tỉnh chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn các trường đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình mới. Hiện tại, Bạc Liêu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tất cả các khối lớp xây dựng kế hoạch nhà trường, chuyên môn, môn học… theo tinh thần đổi mới, đáp ứng Chương trình GDPT mới.

Tương tự, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Cà Mau tuyển sinh các lớp đầu cấp qua hình thức trực tuyến, đảm bảo thuận lợi cho nhà trường, phụ huynh, học sinh. Ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau, cho biết năm học qua, tỉnh đã thực hiện số hóa trường học, tuyển sinh trực tuyến; đặc biệt đã hoàn thành Ðề án chuyển đổi số ngành Giáo dục. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh thực hiện số hóa tất cả trường học, từ việc sổ sách, hồ sơ đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ…

Để nâng cao chất lượng giáo dục

Trong vài tuần tới, năm học mới 2021-2022 bắt đầu. Cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước, các địa phương ở phía Nam hiện gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo ông Võ Văn Bé Hai, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Bến Tre, tình hình dịch COVID-19 tại tỉnh đang diễn biến phức tạp, các trường học được trưng dụng làm khu cách ly, nên vệc triển khai năm học mới gặp một số khó khăn. Tỉnh còn gặp khó về biên chế giáo viên.

Tương tự, tỉnh Cà Mau gặp khó trong tuyển viên chức ngành Giáo dục (nhất là giáo viên). Theo ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Cà Mau, mỗi năm tỉnh tuyển viên chức ngành Giáo dục 2 lần nhưng vẫn còn thiếu. Ðơn cử như cấp THPT còn 40 biên chế. Ðặc biệt, tỉnh vừa thiếu, vừa không có nguồn tuyển giáo viên dạy các môn: Giáo dục quốc phòng - An ninh, Giáo dục thể chất, Tiếng Anh. “Ðể khắc phục tình trạng này, ngành đã tham mưu UBND tỉnh cho phép hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên; cũng như cho phép các trường thiếu giáo viên được thỉnh giảng giáo viên trường khác để dạy, nhằm đảm bảo chương trình”, ông Dự nói.

Cạnh đó, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ GD&ÐT xem xét, có hướng dẫn cụ thể về định mức chi cho giáo viên soạn bài giảng, ghi hình khi giảng dạy trực tuyến. Bởi vì tỉnh hiện đang gặp khó, không biết áp dụng theo quy định nào; nhất là chi trả cho giáo viên soạn giảng, dạy trên truyền hình vẫn chưa có quy định nào cụ thể.

Lãnh đạo Sở GD&ÐT TP Cần Thơ kiến nghị Bộ GD&ÐT có hướng dẫn cụ thể định mức chế độ làm việc cho giáo viên trung học. Vì năm học 2020-2021 chỉ còn 35 tuần thực học, nếu áp dụng theo hướng dẫn trước đây, sẽ gặp khó trong việc tính chế độ làm việc cho thầy cô. Bên cạnh đó, Bộ GD&ÐT cần sớm ban hành những văn bản hỗ trợ các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện nhiệm vụ trong kiểm tra đánh giá; thông tư dạy thêm học thêm; hướng dẫn thực hiện chế độ cho đội ngũ thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương; sớm có hướng dẫn dạy học tự chọn Ngoại ngữ 2 đối với lớp 6;…

Ðể nâng cao chất lượng GDTH năm học 2021-2022, đại diện lãnh đạo các địa phương kiến nghị Bộ GD&ÐT tiếp tục tập trung đầu tư nguồn lực, đào tạo, tập huấn đội ngũ nhà giáo… phục vụ Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới cho niên khóa sắp tới.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết