24/05/2018 - 21:25

Giải quyết bất cập thị trường nhà đất ở TP Cần Thơ
Bài cuối:  Xây dựng đô thị hiện đại, thông minh 

Anh Khánh - Hà Văn

TP Cần Thơ đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị thông minh với Đề án phát triển xây dựng TP Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, gồm 3 giai đoạn với những bước đi cụ thể. Tuy nhiên, trước mắt cần phải ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý đô thị và xử lý những KDC tự phát nhếch nhác. Đây là vấn đề cấp thiết thành phố cần quan tâm, nỗ lực đưa ra giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, làm tiền đề xây đô thị hiện đại, thông minh.

Không để tiêu cực đất đai tiếp tục xảy ra

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Cần Thơ, các quận, huyện đang nỗ lực thực hiện công tác quản lý xây dựng, hạn chế việc tự phân lô, nền, xây dựng trái pháp luật trên địa bàn quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để phát sinh trong thời gian tới... Điển hình trên địa bàn quận Bình Thủy, sau khi Thanh tra TP Cần Thơ chỉ ra nhiều sai phạm trong việc sử dụng và quản lý đất đai trên địa bàn, bước đầu, quận đã xử lý trách nhiệm một số tập thể, cá nhân có liên quan. Qua đó có 5 cán bộ tại phường Long Hòa bị kiểm điểm rút kinh nghiệm; 3 cán bộ phòng TN&MT bị kiểm điểm, kỷ luật khiển trách; 8 cán bộ thuộc Văn phòng đăng ký đất đai bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, 1 cán bộ bị xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm; 7 cán bộ thuộc phòng Quản lý đô thị bị kiểm điểm rút kinh nghiệm... Theo Quận ủy Bình Thủy, đây là động thái ban đầu của địa phương khi nhận được kiến nghị của Thanh tra TP Cần Thơ. Hiện vụ việc cũng được chuyển đến Công an TP Cần Thơ làm rõ về dấu hiệu vi phạm, khi có kết luận cụ thể từ cơ quan công an, quận Bình Thủy sẽ xử lý dứt điểm những cá nhân, tập thể có liên quan.

Khu nhà ở Vincom shophouse Xuân Khánh có thể nói là hình mẫu cho quy hoạch xây dựng đô thị hiện đại. Ảnh: T.K

Về những sai phạm đất đai tại quận Bình Thủy, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng là do quản lý yếu kém. Thành ủy Cần Thơ đã chỉ đạo xử lý sai phạm đất đai xảy ra trên địa bàn quận trong quí II này. Quan điểm xử lý là sai đến đâu xử đến đó, không né tránh, không bao che.

Ninh Kiều là quận trung tâm TP Cần Thơ, nhưng đất chật người đông, muốn mở rộng đô thị phải phát triển ra hướng quận Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Do đó, những địa phương này được đầu tư phát triển dự án dân cư và dễ bị tác động dẫn đến tình trạng KDC tự phát, xây dựng không phép xuất hiện. "Các cá nhân, đơn vị đầu tư KDC tự phát nghiên cứu khe hở pháp luật rồi nài nỉ hoặc tìm người tác động để thực hiện các thủ tục đầu tư thực hiện, xây dựng. Người quản lý không đủ bản lĩnh, lập trường thì sa ngã như trường hợp tại quận Bình Thủy. Các địa phương khác xem đây là bài học kinh nghiệm để quản lý đất đai, xây dựng đúng theo quy hoạch được duyệt. Việc thanh tra quản lý đất đai, xây dựng tại quận Bình Thủy được xem như một thí điểm để tiếp tục thanh, kiểm tra tại các quận, huyện khác, nhằm tránh tình trạng trên tiếp tục xảy ra ở địa bàn TP Cần Thơ thời gian tới" - ông Võ Thành Thống nhấn mạnh.

Để tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, như: Quyết định 05/2017/QĐ-UBND ngày 2-10-2017 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp không phải là đất ở được áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Quyết định này ban hành tháng 10-2017 đến nay đã chấm dứt tình trạng phân lô nền trên đất nông nghiệp, vì theo quy định diện tích tối thiểu tại quận Ninh Kiều, Bình Thủy phải từ 150m2 mới được tách thửa, trong khi các quận nội ô diện tích đất nông nghiệp  không nhiều… Ban hành Quy chế phối hợp trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình sửa đổi quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Ngành TN&MT hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của thành phố, kịp thời tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố Danh mục các dự án cần thu hồi đất, các dự án cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (dưới 10ha) trong năm 2018… Tất cả là cơ sở pháp lý để quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng đi vào nề nếp trong thời gian tới.

Vì một đô thị hiện đại, đáng sống

TP Cần Thơ sau gần 15 năm thành lập đã tăng tốc phát triển mạnh mẽ. Thành phố loại 1 với nhiều khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị lớn nhất vùng, các trường đại học, bệnh viện tuyến Trung ương, sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế… Kết nối giao thông nổi bật là các công trình giao thông khá hoàn chỉnh, quốc lộ 1A nối vào cầu Cần Thơ đi qua địa bàn quận Cái Răng được nâng cấp mở rộng; quốc lộ 91 mở rộng từ cầu Bình Thủy đến quận Thốt Nốt nối quốc lộ 80; quốc lộ 91B giảm áp lực giao thông cho thành phố; quốc lộ 61B nối Cần Thơ - Vị Thanh rút ngắn khoảng cách giữa 2 địa phương; đường Võ Nguyên Giáp nối Nam sông Hậu cũng đang trong giai đoạn hoàn thành…

Cuối năm 2017, cầu Quang Trung nhánh 2, nằm song song cầu hiện hữu đã được khởi công xây dựng; cuối năm 2018 này cầu Trần Hoàng Na sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng. Sông Cần Thơ sẽ có tới 3 chiếc cầu hoàn chỉnh tạo thêm động lực cho vùng đô thị mới Nam Cần Thơ phát triển nhanh, hiện đại hơn.

Những năm qua, TP Cần Thơ đã hợp tác chặt chẽ và được Ngân hàng Thế giới tài trợ 3 Dự án nâng cấp và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ với tổng số tiền hơn 360 triệu USD. Với 2 dự án nâng cấp đô thị Việt Nam (Dự án 1) và Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án 2) đã góp phần cải tạo môi trường, giảm thiểu tình trạng ngập nghẹt tại các khu dân cư thu nhập thấp, nâng cấp hạ tầng xã hội, nâng cao điều kiện sống người dân đô thị ở 4 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn. Đầu tư, nâng cấp, tạo bộ mặt mới cho đô thị Cần Thơ đúng tầm, đúng vị thế là điều mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ luôn kỳ vọng.

TP Cần Thơ đang phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh. Do đó, trước hết phải xóa bỏ những hạn chế, yếu kém trong quản lý đất đai, quản lý quy hoạch xây dựng. Tập trung xây dựng đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng sống, hiệu quả làm việc. Đảm bảo phát triển bền vững, chính quyền quy hoạch đô thị tổng thể và có định hướng; tối ưu hóa sử dụng hạ tầng của thành phố; tối ưu hóa sự phối hợp và vận hành các bộ máy, hệ thống để phát triển kinh tế-xã hội; tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng khả năng huy động mọi nguồn lực của xã hội đóng góp vào sự phát triển của thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố, ông Võ Thành Thống khẳng định: "Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tăng cường hiệu quả điều hành và quản trị đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh… Khi các chương trình, giải pháp được triển khai đồng loạt với sự tham gia đầy đủ của cả hệ thống chính trị trong xây dựng đô thị thông minh, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp cho Cần Thơ trong tương lai, từ đó sẽ đẩy lùi KDC có hạ tầng kỹ thuật thấp kém, tự phát...".

Chia sẻ bài viết