21/05/2018 - 21:16

Giải quyết bất cập thị trường nhà đất ở TP Cần Thơ
Bài 1: Từ cơn “sốt” đất  

Đô thị TP Cần Thơ đang chuyển mình phát triển, là động lực thu hút đầu tư, mở rộng đô thị cả về quy mô, hạ tầng kỹ thuật. Công tác quản lý quy hoạch kiến trúc thành phố từng bước hoàn thiện theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình này, những bất cập nẩy sinh trong quy hoạch, quản lý đất đai… là không thể tránh khỏi đang rất cần nỗ lực  giải quyết của cả hệ thống chính trị... để thành phố Cần Thơ phát triển bền vững, hướng đến trở thành thành phố đáng sống.

Bài 1: Từ cơn “sốt” đất

Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Cần Thơ, trong năm 2017 toàn thành phố có khoảng 30.000 hợp đồng giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Đây là con số rất ấn tượng, phản ánh thị trường BĐS nhộn nhịp, khởi sắc sau thời gian dài “đóng băng” trước đó. Tuy nhiên, phía sau sự khởi sắc của thị trường BĐS là hàng loạt những hệ lụy như tình trang phân lô nền tự phát, xây dựng nhà không phép, trái phép, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp làm phá vỡ quy hoạch; giá đất tăng làm cho một bộ phận người dân không thể mua nhà ở; công tác đền bù giải tỏa để xây dựng công trình càng khó hơn do giá đền bù tăng…

“Sốt” giá, giao dịch tăng đột biến

Theo Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, thị trường BĐS Cần Thơ đang giao dịch nhộn nhịp nhất từ trước đến nay. Giá BĐS, chỉ riêng trong năm 2017, đất nền tại hầu hết các dự án khu dân cư (KDC) đều tăng từ 30-40%, thậm chí cá biệt có nơi tăng 50-150% như: khu nhà ở Nam Long, KDC Trung tâm Văn hóa Tây Đô, KDC Hồng Loan (quận Cái Răng); KDC Hồng Phát, khu tái định cư Thới Nhựt (quận Ninh Kiều)...

Khu nhà ở cán bộ Trường Đại học Cần Thơ đang là một trong những điểm “nóng” tăng giá của thị trường BĐS tại quận Ninh Kiều. Ảnh: T.K
Khu nhà ở cán bộ Trường Đại học Cần Thơ đang là một trong những điểm “nóng” tăng giá của thị trường BĐS tại quận Ninh Kiều. Ảnh: T.K

Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, cho biết: Năm qua, ai đầu tư BĐS trên địa bàn quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy đều “thắng đậm”. Hầu hết các dự án chính quy không còn nền để bán cho khách hàng, phần lớn các giao dịch là đất nền của người trước bán cho người mua sau, giá theo đó cứ tăng lên… “Vậy mà trước đó kéo dài gần mười năm nhà đầu tư BĐS phải “thở ô-xy”, thậm chí phá sản vì thị trường “đóng băng”. Nếu tính thời gian thị trường trầm lắng kéo dài như thế, chi phí đầu tư, quản lý, lãi vay ngân hàng… đẩy giá thành đầu tư lên rất cao. Giá BĐS tăng như hiện nay phù hợp với thực tế và nhu cầu thị trường, nhưng “phần thắng” thuộc những người dân đã mua trước đây nay bán lại, bởi chủ đầu tư dự án đã bán nền ngay từ lúc triển khai dự án rồi!” - ông Tiến chia sẻ.

Anh Lê Hồng Khanh, ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: Công việc chính của tôi là hợp thức hóa nhà đất thuê (những người không có thời gian đi làm việc này), nhưng từ đầu năm 2017 đến nay làm thêm môi giới nhà, đất, có tháng kiếm được 20-30 triệu đồng. Còn những người “liều” hơn tôi dám mua đất nông nghiệp phân lô nền ở An Bình, An Khánh (Ninh Kiều) hay Long Hòa (Bình Thủy) kiếm lời bạc tỉ...

“Nóng” đầu tư BĐS

Mới đây trong chuyến công tác tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết: Từ năm 2017 đến nay, thị trường BĐS cả nước đều tăng đột biến, tăng giá đồng loạt, hiện tượng này khá cá biệt, bởi những đợt “sóng” trước đây chỉ tập trung ở những đô thị lớn. Chính sức hấp dẫn của thị trường này đang khiến cho nhiều người “lao vào”, thậm chí có chủ doanh nghiệp nhỏ, vừa ở lĩnh vực khác cũng tham gia. Theo lời ông Nguyễn Trần Nam, TP Cần Thơ là một trong năm thành phố lớn của cả nước, nhưng thực sự đến thời điểm này chưa có dự án đầu tư nào có giá trị tỉ đô-la để xứng tầm. Trong khi đó, tiềm năng phát triển về nhà ở, du lịch rất lớn, thành phố cần có chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn để khai thác lợi thế này, không nên đơn thuần mời các nhà đầu tư lập dự án BĐS rồi phân lô nền bán ra thị trường. Như thế vừa lãng phí quỹ đất có giá trị, vừa không thể đẩy mạnh phát triển đô thị hiện đại, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mảng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại thành phố trung tâm vùng ĐBSCL…

Khởi đầu “cơn sốt” thị trường bất động sản Cần Thơ từ đất nền dự án cho đến đất phân lô tự phát (ảnh chụp khu dân cư Hưng Phú 1). Ảnh: T.K
Khởi đầu “cơn sốt” thị trường bất động sản Cần Thơ từ đất nền dự án cho đến đất phân lô tự phát (ảnh chụp khu dân cư Hưng Phú 1). Ảnh: T.K

Tại hội nghị tổng kết của Hiệp hội BĐS Cần Thơ vào đầu tháng 5-2018, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Thị Hồng Ánh, băn khoăn: Thị trường BĐS tại TP Cần Thơ bây giờ không chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp làm dự án hay các nhà đầu tư thứ cấp tham gia thị trường, mà đang trong cơn sốt “nhà nhà đầu tư BĐS, người người đầu tư BĐS”. “Giá BĐS tăng vùn vụt, ai cũng mê kiếm lời, nhưng người mua cuối cùng sẽ gánh chịu rủi ro tiềm ẩn, vì không có gì chắc chắn thị trường đang phản ánh đúng bản chất, giá trị của nó. Đất nền giao dịch “cháy hàng”, giá tăng “chóng mặt”, nhưng thực tế có bao nhiêu nền trong số này được người mua mua để xây nhà ở?” - bà Võ Thị Hồng Ánh cảnh báo.

Anh Hoài Anh, ở quận Ninh Kiều, nay đã nghỉ việc chuyển sang kinh doanh BĐS, minh chứng cho sức “nóng” của thị trường. Anh Hoài Anh cho biết: Đầu năm 2017, người chú của anh có 2 công đất nằm liền kề khu tái định cư 12,8ha trên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy, sau khi san lấp mặt bằng, phân ra thành 17 lô nền có đường nội bộ 4m, bán ra với giá chưa tới 200 triệu đồng/nền. Đến thời điểm này giá đã đẩy lên trên 400 triệu đồng/nền. Một nền nhà ở đây giao dịch không biết đến mấy lượt, nhưng theo ông chú kể lại bình quân mỗi nền giao dịch 4-5 lượt là chuyện bình thường, vì thế giá mới tăng đột biến! Nhưng đây là đất tự phân lô tự phát (không chính quy), đã “kiếm sống” ngon như thế, lô nền ở các dự án KDC chính quy, mức lợi nhuận hấp dẫn hơn nhiều.

Chị Thảo, quê ở Kiên Giang lên TP Cần Thơ làm nail (thợ làm móng) hơn 4 năm dành dụm được số vốn kha khá, tháng 8-2017 chị vay thêm gần 200 triệu đồng mua cái nền thổ cư gần 70m2 ở trong con hẻm gần nhà trọ đang thuê (đoạn gần hồ Bún Xáng) giá 415 triệu đồng. Nay cái nền này đã có người trả mua lại 800 triệu đồng, nhưng chị quyết giữ để sau này có điều kiện hơn xây nhà ở. “Không biết phải làm mất bao nhiêu năm mới để dành được số vốn 800 triệu đồng, nhờ “sốt” đất chứ thật sự nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ tới” - chị nói.

Ông Trịnh Quang Tiến, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Cần Thơ, cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, giá đất nền tiếp tục tăng giá khoảng 20-30%. Nguyên nhân, thị trường BĐS thành phố sôi động có sự tác động mạnh mẽ từ các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc, các trung tâm thương mại mới ra đời như Vincom, Lotte MART… và cả tâm lý và sức hấp dẫn về lợi nhuận của loại sản phẩm đặc thù này khiến cho người mua mạnh tay đổ vốn vào BĐS. Ông Trịnh Quang Tiến cũng chính là nhà đầu tư với nhiều dự án BĐS (Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐTXD Hồng Phát), chia sẻ, do giá BĐS tăng, kéo theo giá đền bù lập dự án, chi phí đầu vào vật tư cũng tăng… đã làm cho giá thành đầu tư dự án BĐS tăng lên, điều này là thực tế đang làm cho giá bán sản phẩm tăng lên.

Vào thời điểm này, giá đất nền ở các dự án KDC, đất phân lô tự phát và ngay cả nhà trong nội ô quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy cũng tăng giá liên tục. Đất nền ở các dự án Nam Long, Hồng Loan, Hồng Phát đang tiếp tục tăng giá (dù hiện nay đã tăng gần 2-3 lần so với giá lúc mới mở bán vào đầu năm 2017). Cơn “sốt” đất dường như chưa có điểm dừng! Các tay môi giới BĐS rao bán đất nền trên mạng xã hội Zalo, Facebook còn thông báo rất “chảnh”: giá chỉ “chốt” trong tuần, thậm chí chỉ giữ giá bán trong 3 ngày… Cơn “sốt” đất đang “đẻ” ra những KDC tự phát ở một số phường Long Tuyền, Long Hòa (quận Bình Thủy), An Khánh, An Bình (quận Ninh Kiều)… và đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.

AN KHÁNH - HÀ VĂN

BÀI 2: Hệ lụy khó lường từ các khu dân cư tự phát

Chia sẻ bài viết